Trong các loài lan thì lan kiếm (Cymbidium sinense) được mệnh danh là nữ hoàng của các loài lan. Nói đến lan kiếm thì người ta liên tưởng đến sự quý phái, tinh khiết, thanh tao, mang vẻ đẹp kiêu sa, màu sắc hoa đa dạng, hương thơm cuốn hút nên để lại ấn tượng rất sâu đậm cho người thưởng thức. Vì vậy, từ lâu các loài lan kiếm đã hiện diện trong văn học, nghệ thuật và gắn liền với đời sống văn hóa của người Á Đông. (Nguyễn Hữu Huy – Phan Ngọc Cấp,1995).

Việt Nam có nguồn gen lan kiếm (Cymbidium sinense) khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, việc tận dụng khai thác nguồn tài nguyên này còn chưa được quan tâm chú ý, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của tự nhiên. Nhiều loài lan quý hiếm đã bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng do đó cần phải có biện pháp như: xây dựng vườn lưu giữ cho các loài hoa lan bản địa, đánh giá, tư liệu hóa để khai thác sử dụng; xây dựng quy trình nhân giống, quy trình chăm sóc, điều khiển nở hoa và mô hình sản xuất thương mại giống lan quý này.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chúng ta phải có những mặt hàng đặc trưng riêng của Việt Nam. Đó không chỉ là những món ăn đặc sản, phong cảnh đẹp mà còn cần kể đến những loài hoa vương giả chỉ ở Việt Nam mới có mà cha ông chúng ta đã từng thưởng thức và lưu giữ như các loài lan kiếm Trần Mộng, Hoàng Vũ, Thanh Ngọc, Mặc Biên, Hoàng Điểm…

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen lan kiếm (Cymbidium sinense)” được triển khai là cần thiết. Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ sẽ góp phần phát triển, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất cây lan kiếm. Do Cơ quan chủ trì đề tài Viện nghiên cứu rau quả phối hợp với chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Đặng Văn Đông phối hợp với mục tiêu cùng khai thác và phát triển được nguồn gen quý lan kiếm (Cymbidium sinense), để thương mại hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng hoa, tạo cảnh quan cho môi trường, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất hoa ở Việt Nam.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu lại được những kết quả như sau:

  1. Đã điều tra, thu thập được 5 mẫu giống lan kiếm (Cymbidium sinnense) là Trần Mộng, Hoàng Vũ, Thanh Ngọc, Mặc Biên và Hoàng Điểm với 80-90 chậu/mẫu giống. Tổng số lượng thu thập được là 430 chậu. Và đã đánh được đặc điểm di truyền, nông sinh học của nguồn vật liệu thu thập. Đây là nguồn gen quý, không những có giá trị về tinh thần mà còn có giá trị kinh tế cao.
  2. Đã đưa được 5 mẫu giống lan kiếm (15 mẫu/giống) vào phục tráng và nhân nhanh đƣợc 2.850 cây mẫu giống lan kiếm (Cym. sinense) đầu dòng. Và xây dựng vườn giống gốc với tổng diện tích 600 m2 với 2.400 cây đầu dòng tại 3 địa phương là Hà Nội, Quảng Ninh và Sơn La. Sau 3 năm theo dõi, đánh giá thấy cây lan kiếm (Cym. sinense) đầu dòng gồm Trần Mộng, Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Mặc Biên và Hoàng Điểm đều sinh trưởng, phát triển rất tốt.
  3. Đã xây dựng được 01 bộ quy trình nhân giống cho lan kiếm bằng phương pháp tách nhánh, bằng nuôi cấy in vitro và bằng gieo hạt trong ống nghiệm. Các quy trình đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu và ban hành cấp cơ sở.

– Nhân giống bằng tách nhánh: Sử dụng cây 3 năm tuổi làm vật liệu tách nhánh, thời vụ tách nhánh vụ xuân, chế phẩm kích thích ra rễ trimix – DT 500G và giá thể trồng là 2/3 dớn cọng + 1/3 đá sỏi hoặc 1/3 Vỏ lạc+1/3 Vỏ thông+1/3 Đá sỏi là thích hợp nhất với tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng phát triển tốt sau 6 tháng tách nhánh, tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn ≥ 90%.

– Nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào: Sử dụng Ca(OCl)2 5% trong thời gian 15 phút khử trùng đỉnh sinh trưởng của chồi bên lan kiếm cho hiệu quả khử trùng là cao nhất. Môi trưởng nuôi cấy là: MS + 100ml/l ND + 10 g/l sucrose + 6 g/l agar + 1,5 mg/l BAP. Giai đoạn nhân nhanh bổ sung vào môi trường nuôi cấy 0,2 mg/l α-NAA + 2,0 mg/l BAP rất thuận lợi cho quá trình tái sinh PLBs. Để nâng cao chất lƣợng chồi cần bổ sung 1 mg/l BAP. Giai đoạn tạo cây hoàn chỉnh bổ sung 0,5 mg/l α-NAA giúp đẩy nhanh thời gian ra rễ, tỷ lệ chồi ra rễ. Và bổ sung 30 g/l dịch nghiền chuối tiêu để tăng chất lượng cây lan kiếm. Ở giai đoạn vườn ươm dùng giá thể ra ngôi là dớn, phân bón Growmore hoặc plant soud (30-10-10) là tốt nhất

– Nhân giống bằng gieo hạt: Sử dụng quả lan kiếm 13 tháng tuổi sau thụ phấn để đưa vào nuôi cấy. Môi trường gieo hạt là MS + 100 ml/l ND+10 g/l sucrose +6 g/l agar cho tỷ lệ nảy mầm của hạt lan đạt 90%. Giai đoạn nhân nhanh bổ sung vào môi trường nuôi cấy 0,5 đến 1mg BAP/l và 60g khoai tây/lít. Bổ sung 1,0 g/l THT và 50 g/l chuối tiêu vào môi trường tạo cây hoàn chỉnh giúp đẩy nhanh thời gian ra rễ, tỷ lệ chồi ra rễ 100%. Ở giai đoạn vườn ươm sử dụng giá thể Dớn để ra ngôi và dùng phân bón Growmore với tỷ lệ 1/1.500 là tốt nhất

  1. Đã xây dựng được 01 quy trình trồng, chăm sóc và điều khiển nở hoa cho mẫu giống lan kiếm (Cymbidium sinense). Quy trình đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu và ban hành cấp cơ sở.

Giá thể trồng lan kiếm là 1/3 vỏ thông + 1/3 vỏ lạc + 1/3 đá sỏi, phân bón plant – soul (20-20-20+ TE), sử dụng nước tưới là nước mưa hoặc nước giếng khoan có lọc, che giảm 70% ánh sáng trực tiếp vào mùa hè là tốt nhất cho lan kiếm. Sử dụng thuốc BVTV Ychatot 900GP ngăn chặn hiệu quả được bệnh thối mầm. Xử lý ra hoa cho lan kiếm tại Mộc Châu trước tết 5,5 tháng là thích hợp nhất cho hoa lan kiếm nở vào Tết Nguyên Đán.

  1. Đã xây dựng được mô hình sản xuất thương mại cho lan kiếm với diện tích 1.200 m2 (tương đương với 5.500 chậu) ở các địa phương như HàNội, Quảng Ninh, Sơn La. Các mẫu giống lan kiếm được trồng theo quy trình kĩ thuật của Viện nghiên cứu Rau quả sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng hoa cao và tương đối ổn định giữa các giống ở tất cả các điểm trồng. Ngoài ra, cây lan kiếm ra hoa vào dịp Tết Nguyên Đán nên hiệu quả đồng vốn từ sản xuất lan kiếm cao hơn nhiều so với lan kiếm được trồng theo kinh nghiệm của người dân.
  2. Các sản phẩm khác: Đã xây dựng và công bố được 01 tiêu chuẩn cây giống cho lan kiếm (Cymbidium sinense) và 01 tiêu chuẩn cây lan kiếm thương phẩm, 01 bộ dữ liệu về chỉ dẫn địa lý cho lan kiếm. Đã đăng được 02 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành. Đã tham gia đào tạo được 03 Thạc sỹ và 01 Nghiên cứu sinh (dự kiến bảo vệ vào tháng 5 năm 2017). Tất cả các sản phẩm trên đều đạt chất lượng đề ra.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13754/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

N.T.T (NASATI)