Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự cố gây ô nhiễm môi trường đó là do thiên tai và do hoạt động sản xuất của con người. Các loại ô nhiễm môi trường tác động không chỉ trong phạm vi khu vực, một địa phương mà còn tác động tới phạm vi nhiều tỉnh (liên tỉnh). Các sự cố ô nhiễm môi trường liên tỉnh ở Việt Nam hiện nay đã và đang diễn ra ngày càng nhiều với qui mô rộng, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, làm suy giảm tính hữu ích của môi trường tự nhiên, gây thiệt hại lớn tới tài sản, kinh tế của xã hội và cộng đồng; đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Trong thời gian qua, nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường liên tỉnh do thiên tai cũng như do hoạt động sản xuất của con người gây ra như vụ Vedan, Formosa, các sự cố tràn dầu, ô nhiễm hóa chất…, làm ô nhiễm môi trường nước mặt, bờ biển; các thiên tai gây xâm nhập mặn, xa mạc hóa, ô nhiễm vệ sinh môi trường.

Thực tế cho thấy vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh đang là một trong những vấn đề nóng trong quản lý môi trường ở nước ta hiện nay. Do những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng. Thiếu cơ chế phối hợp, phân công, phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương chưa rõ ràng trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quản lý, phối hợp kiểm tra, giám sát về môi trường các lưu vực sông, bờ biển giáp gianh giữa các tỉnh/thành. Cách thức giải quyết các vụ việc chưa có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương và giữa các địa phương nên mỗi sự cố ô nhiễm cơ chế giải quyết lại khác nhau, có sự xung đột, đùn đẩy trách nhiệm. Kết quả là nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có tính chất liên tỉnh chưa được giải quyết một cách triệt để, hoặc thời gian giải quyết kéo dài, kết quả giải quyết chưa hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận. Đồng thời nhân lực, phương tiện kỹ thuật, tài chính phục vụ công tác bảo vệ môi trường, giải quyết và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường liên tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Ngoài ra, ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường và khắc phục các sự cố môi trường ở địa phương cũng như liên tỉnh còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm, chung sức tới công tác này.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học môi trường cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Hoài Nam thực hiện Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh và huy động nguồn lực để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường với mục tiêu làm rõ cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách giải quyết ô nhiễm môi trường liên tỉnh và huy động nguồn lực khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường liên tỉnh.

Kết quả nghiên cứu đã làm rõ cơ sở lý luận về việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh, tập trung làm rõ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh do SCMT từ hoạt động của con người và thiên tai gây ra. Đề tài cũng đã tổng hợp và phân tích kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trương 30 liên bang/liên tỉnh do SCMT ở một số nước trong thời gian qua và cũng rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam như:

– Khi có SCMT liên tỉnh xảy ra thì cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng tham gia ứng phó, khắc phục và phục hồi môi trường.

– Cần huy động nguồn lực tài chính từ NSNN và của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ ứng phó, khắc phục và cải tạo, phục hồi môi trường liên tỉnh bị ô nhiễm bởi SCMT do thiên tai gây ra hoặc chưa rõ nguyên nhân.

– Ưu tiên đầu tư nguồn lực để ứng phó, khắc phục SCMT cho các địa phương, cho các lực lượng khu vực để kịp thời ngăn chặn sự lan rộng ô nhiễm bởi SCMT liên tỉnh một cách hiệu quả.

Đề tài cũng đã đánh giá được thực trạng thực hiện các cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh do SCMT từ trung ương đến địa phương như: Làm rõ và phân tích được những bất cập, chồng chéo tại các quy định pháp luật về trách nhiệm các Bộ, ngành trong phân công, phân cấp để giải quyết, khắc phục SCMT và các sự cố chuyên ngành; Làm rõ và phân tích thực trạng khó khăn vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách giải quyết, huy động nguồn lực tài chính khắc phục, cải thiện, phục hồi môi trường liên tỉnh bị ô nhiễm do SCMT liên tỉnh do thiên tai gây ra hoặc không rõ nguyên nhân (từ Trung ương đến địa phương). Đồng thời tổng hợp và phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, khắc phục và phục hồi môi trường do SCMT liên tỉnh điển hình đã được giải quyết trong thời gian qua. Cụ thể:

– Có sự chồng chéo, chưa thống nhất trong phân công đầu mối giải quyết ứng phó, khắc phục, phục hồi môi trường bởi SCMT liên tỉnh do con người và do thiên tai gây ra. Cụ thể chồng chéo giữa các quy định tại Luật BVMT 2014, Luật TNMT biển và Hải đảo 2015 với Luật phòng chống thiên tai 2013 và Nghị định 30/2017 NĐ-CP với các Quy chế ứng phó sự cố chuyên ngành do Chính phủ ban hành

– Thiếu quy chế phối hợp trong giải quyết, ứng phó, khắc phục SCMT liên tỉnh do đó còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng từ Trung ương đến địa phương trong giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh trong thời gian qua

– Thiếu sự phân công đầu mối trong giải quyết ứng phó, khắc phục và phục hồi môi trường bởi sự cố chất thải, sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất độc liên tỉnh do thiên tai gây ra hoặc chưa rõ nguyên nhân trên biển và đất liền

– Thiếu cơ chế, quy định chức năng huy động, cũng như cơ chế sử dụng nguồn lực tài chính từ NSNN và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ ứng phó, khắc phục, phục hồi môi trường bởi SCMT liên tỉnh do thiên tai gây ra hoặc chưa rõ nguyên nhân. Do đó chưa có nguồn quĩ dự phòng để phục vụ công tác ứng phó, khắc phục, phục hồi môi trường cho những nguyên nhân SCMT liên tỉnh này, nên trong thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn trong xác định nguyên nhân, xác định thiệt hại và nhiều trường hợp không có nguồn để thực hiện khắc phục, phục hồi môi trường, đặc biệt không có nguồn hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi SCMT do thiên tai gây ra hoặc chưa rõ nguyên nhân.

– Ngoài ra, thiếu hệ thống quan trắc môi trường tự động kiểm soát, cảnh báo các SCMT liên tỉnh.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18251/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn