Trong những năm qua, với xu hướng mở cửa thị trường bưu chính nhiều nước trên thế giới đặc biệt là các nước châu Âu đã tiến tới xóa bỏ hoàn toàn dịch vụ bưu chính dành riêng, mở cửa thị trường bưu chính tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số nước vẫn duy trì chính sách dành riêng với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp được chỉ định, đây là doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu nhà nước và người dân.

Với hai luồng xu thế quản lý về dịch vụ bưu chính dành riêng trên thế giới, việc xem xét lại phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng cũng như đưa ra đề xuất xây dựng lộ trình giảm dần và kết thúc dịch vụ bưu chính dành riêng tại Việt Nam đang là vấn đề cần được quan tâm. Để có sở cứ đưa ra chính sách về quản lý dịch vụ bưu chính dành riêng tại Việt Nam trong thời gian tới cần có phân tích, đánh giá tác động cụ thể đặc biệt đến doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và dự kiến tác động đến thị trường bưu chính nói chung nếu việc giảm dần và xóa bỏ phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng được đưa ra trong thời gian tới.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ Bưu chính cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Khổng Thị Hường thực hiện Nghiên cứu thực trạng và đề xuất xây dựng lộ trình giảm dần và kết thúc phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng ở Việt Nam” với mục tiêu nghiên cứu là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xem xét và thực hiện tiếp tục việc mở rộng thị trường cạnh tranh lành mạnh, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về thúc đẩy thị trường cạnh tranh và phát triển lĩnh vực bưu chính trong thời gian tới. Bên cạnh đó, là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi các quy định về quản lý dịch vụ bưu chính dành riêng đang được quy định tại Luật Bưu chính và các văn bản hướng dẫn.

Hiện nay, doanh nghiệp được chỉ định phải thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ phổ cập (hay dịch vụ công ích) trên toàn quốc với giá cước thống nhất và phải chăng. Để cung ứng dịch vụ này các doanh nghiệp đã phải có mạng lưới bao phủ rộng khắp, chi phí lớn nên cung ứng dịch vụ này hầu hết doanh nghiệp bưu chính đều lỗ do doanh thu không thể bù đắp được chi phí phát sinh quá lớn, do vậy để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ phổ cập thì tại một số nước đã có các chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như: Trợ cấp trực tiếp nhà nước, dành riêng bưu chính, quỹ bưu chính, đấu thầu cạnh tranh…

Phạm vi dịch vụ dành riêng là một cơ chế hỗ trợ cho việc thực hiện các nghĩa vụ phổ cập về bưu chính mà Nhà nước giao. Mục tiêu cung cấp dịch vụ dành riêng giúp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích có doanh thu từ dịch vụ dành riêng bù đắp cho khi phí cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất xây dựng lộ trình giảm dần và kết thúc phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng ở Việt Nam” đã được thực hiện với mục tiêu xây dựng đề xuất lộ trình nhằm giảm dần và xóa bỏ phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng nhằm mở cửa thị trường bưu chính cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu cũng như định hướng cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra. Nhóm nghiên cứu đề tài đã tổng hợp tình hình thực trạng cung ứng dịch vụ bưu chính dành riêng, đánh giá phân tích hiệu quả cung ứng thời gian qua, cũng như học tập kinh nghiệm các nước trong việc giảm dần và xóa bỏ phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng để đưa ra đề xuất phù hợp với thực trạng của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đề tài đã đưa ra những nội dung chính như sau:

– Nghiên cứu, tổng hợp các quy định pháp lý và thực trạng phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng;

– Nghiên cứu kinh nghiệm một số nước về việc giảm dần và xóa bỏ phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng;

– Đề xuất lộ trình giảm dần và kết thúc phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng trong thời gian tới ở Việt Nam.

Sau kết quả nghiên cứu đề tài cho thấy, việc giảm dần và kết thúc phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng là cần thiết nhằm mở cửa thị trường cạnh tranh lành mạnh, tuy nhiên với việc sửa đổi chính sách pháp luật cần có xem xét cân nhắc các yếu tố tác động nhằm đạt hiệu quả tốt nhất cũng như giảm tối thiểu các yếu tổ ảnh hưởng đến tất cả các đối tượng tham gia thị trường.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18252/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn