Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây và trở thành một cấu phần quan trọng của nền kinh tế với sự hiện diện trong 19/21 ngành của hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, có mặt ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 25% trong tổng đầu tư của toàn xã hội (2017), gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, khai thông thị trường quốc tế, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính,… nhưng thực tế lại đang có sự lệch pha trong nền kinh tế, tồn tại hai khối doanh nghiệp phát triển tách biệt nhau đó là khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam đã hơn 25 năm và được hưởng lợi rất nhiều ưu đãi, thậm chí còn được ưu đãi hơn cả các doanh nghiệp trong nước nhưng những gì mà chúng ta kỳ vọng, mong muốn nhận được từ FDI như chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức tiên tiến, đào tạo nhân lực, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi ở trong nước thì có lẽ vẫn đang là một câu hỏi cần phải đi tìm lời giải đáp để hiểu rõ nguyên nhân, lý do, tại sao chúng ta chưa thể đạt được những mong muốn này.

 

Vì những lý do trên, ThS. Nguyễn Mạnh Tiến cùng các cộng sự tại Văn phòng Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách nâng cao năng lực KH&CN của doanh nghiệp trong nước trên cơ sở thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2018.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã có lịch sử 30 năm vào Việt Nam, FDI đã đạt được những thành công nhất định. Bên cạnh đó còn bất cập những hạn chế về mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp FDI. Để khắc phục những hạn chế đó, trong phạm vi của nhiệm vụ nghiên cứu cấp bộ này, nhóm nghiên cứu xin được trình bày kết quả nghiên cứu với các nội dung sau:

  • Thứ nhất: Nghiên cứu cơ sở lý luận về mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp FDI;
  • Thứ hai: Kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy mối liên kết DNNVV với FDI;
  • Thứ ba: Thực trạng năng lực của DNNVV và mối liên kết với FDI;
  • Thứ tư: Đề xuất, kiến nghị một số giải pháp đối với chính sách về mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp

Với mục đích hướng tới nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp trong nước trên cơ sở liên kết với các FDI, cũng như thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI thì điều quan trọng nhất đó chính là đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực doanh nghiệp, điều mà không một quốc gia nào có thể thiếu nếu muốn tăng trưởng và phát triển bền vững. Vì vậy, việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn hóa, tập trung đào tạo đội ngũ chuyên gia, nhân lực có tay nghề kỹ thuật, trình độ quản lý tiên tiến để có thể chủ động hợp tác, sẵn sàng nắm bắt cơ hội và hấp thụ các kiến thức của các doanh nghiệp FDI ở trình độ cao. Chính nguồn nhân lực này khi chuyển sang hoặc vào làm việc cho các DNNVV sẽ thúc đẩy mối liên kết và duy trì mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các FDI

Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp các luận cứ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước về về mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp FDI.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15233) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)