Trong thời gian từ năm 2014 đến 2018, PGS.TS. Nguyễn Văn Vượng cùng các cộng sự tại Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu điều kiện cổ khí hậu hình thành các trầm tích chứa dầu ở Đồng Ho (Quảng Ninh) nhằm định hướng tìm kiếm dầu khí”.

Đề tài nhằm mục tiêu làm rõ được một số yếu tố cổ khí hậu như cổ nhiệt độ, hàm lượng C, chỉ số dC tỷ số 16O/18O, tỷ số 12C/13C…. trong giai đoạn hình thành các trầm tích sinh dầu ở Đồng Ho tuổi Oligocen muộn, để có cái nhìn cụ thể và rõ ràng về điều kiện cổ khí hậu trong giai đoạn hình thành các tầng đá mẹ sinh dầu ở khu vực bể trầm tích Sông Hồng cũng như các bể trầm tích Đệ tam khác ở Việt nam.

Kết quả khảo sát chi tiết mặt cắt suối Đồng Ho kết hợp với phân tích địa hóa nguyên tố chính và một số nguyên tố vết cho phép phân chia hệ tầng Đồng Ho thành 2 phần, phần dưới dày khoảng 46m đặc trưng bởi sự đan xen của trầm tích hạt thô với các lớp mỏng hạt mịn phân lớp mỏng chứa hóa thạch vết in lá và các mảnh vụn than.

Phần trên dày khoảng 60m có đặc trưng là cát bột sét kết phân lớp mỏng và đồng nhất, chứa lớp trầm tích asphalt. Sự phân bố hàm lượng các nguyên tố chính và nguyên tố vết ở hần dưới thể hiện quy luật không rõ ràng, trong khi phần trên sự biến thiên hàm lượng có quy luật tương đối rõ.

Các chỉ số phản ánh mức độ phong hóa, biến đổi hóa học CIA, CIW, PIA và CPA của các lớp trầm tích hệ tầng Đồng Ho đều thuộc loại cao. Trầm tích hệ tầng Đồng Ho được hình thành từ sự tái lắng động các đá trầm tích có trước mà không có sự tham gia của các thành phần đá gốc magma và biến chất. Chúng được lắng đọng trong môi trường hồ nước ngọt lục địa. Điều kiện khí hậu ẩm ướt giàu oxy đã tồn tại từ Oligocen với lượng mưa trung bình được ước tính là 1533mm/năm±181mm và tồn tại trong suốt quá trình hình thành hệ tầng Đồng Ho. Tuyên nhiên, trong quá trình diagenesis môi trường trầm tích chuyển sang chế độ mưa nhiều và môi trường khử chiếm ưu thế.

Với các kết quả phân tích về địa chất trầm tích, địa hóa nguyên tố chính, nguyên tố vết, thành phần khoáng vật sét, hình thái khoáng vật sét và phổ tán xạ năng lượng các khoáng vật sét và mảnh vụn vật liệu hữu cơ cho thấy các đá chứa dầu hệ tầng Đồng Ho dược thành tạo trong môi trường hồ lục địa nước ngọt, vật chất hữu cơ có nguồn gốc lục địa tạo thành kerogen loại II và III môi trường từ ẩm ướt có mặt oxy hòa tan chuyển sang môi trường ẩm ướt nghèo oxy hòa tan là dấu hiệu tổng hợp cho thấy các khu vực có điều kiện hình thành các trầm tích tương tự hoàn toàn có khả năng là các đã mẹ sinh dầu tiềm năng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15220) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)