Với mục tiêu thúc đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, trong thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) luôn chú trọng tìm kiếm, hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp KH&CN cụ thể phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương nhằm giải quyết các khó khăn trong sinh hoạt đời sống, sản xuất, trong đó có vấn đề về tìm kiếm nguồn nước, xử lý và cung cấp nước sạch trong điều kiện vùng núi cao khan hiếm nước.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong nhiều năm qua luôn thiếu nước do tỉnh Hà Giang có địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh trong đó khu vực vùng cao núi đá phía Bắc là nơi khó khăn nhất, đặc biệt thiếu nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Để góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức đã cùng hợp tác, tìm kiếm và hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hai nước (Viện Khoa học và Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Học viện Công nghệ Karlsruhe của CHLB Đức) thực hiện.

Trên cơ sở đó, năm 2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt 01 nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế với Cộng hòa Liên bang Đức: “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn” (Gọi tắt là dự án Kawatech). Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, Dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức đã hoàn thành đúng mục tiêu đặt ra là xây dựng và vận hành một nhà máy bơm nước thí điểm, đảm bảo cung cấp nước bền vững cho khoảng 10.000 người tại thị trấn Đồng Văn và khu vực lân cận. Đây là một dự án điển hình về hợp tác KH&CN với Cộng hòa Liên bang Đức trong việc tìm kiếm giải pháp cung cấp nước sinh hoạt bền vững ở vùng núi cao, khan hiếm nước.

Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ, vốn hỗ trợ của Bộ KH&CN cùng vốn đối ứng của tỉnh với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Tổng thể của dự án gồm các hợp phần chính là: Dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ lắp đặt hệ thống cấp nước không dùng điện theo công nghệ PAT; dự án xây dựng hệ thống phân phối nước cho thị trấn Đồng Văn và các khu lân cận; dự án xây dựng đường ống áp lực cho mo-dun cấp nước không dùng điện theo công nghệ PAT tại huyện Đồng Văn. Sau 6 năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành việc lắp đặt máy và xây dựng hệ thống đường ống đến khu vực trung tâm thị trấn và một số thôn của thị trấn Đồng Văn. Các chuyên gia đã chuyển giao kỹ thuật, đào tạo ngồn nhân lực vận hành trạm bơm cho UBND huyện Đồng Văn.

Thành tựu nổi bật của dự án Kawatech là áp dụng công nghệ bơm PAT (Pump and Turbine) của Đức để bơm nước từ dưới sâu lên cao tới hàng vài trăm mét mà không cần dùng điện hoặc bất cứ dạng năng lượng nào khác ngoài chính động năng của dòng nước. Hệ thống bơm ứng dụng công nghệ PAT đã đưa được nước từ bể chứa của Thủy điện Séo Hồ có độ cao 705m lên bể chứa có dung tích 2000 m3 trên đỉnh Má Ú, có độ cao 1.250 m. Nước từ bể chứa trên đỉnh Mã Ú tiếp tục được phân phối tới thị trấn Đồng Văn và các xã lân cận phục vụ cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất.

Kết quả triển khai công trình bơm nước không dùng điện tại Đồng Văn mở ra sự đột phá về cấp nước ở nước ta, là giải pháp hiệu quả, bền vững trong cung cấp nước cho Hà Giang và cả nước. Đây là dự án trọng điểm về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, tận dụng thế mạnh tiên tiến của Đức ứng dụng vào Việt Nam.

NASATI