Một nghiên cứu mới của trường Đại học Copenhagen cho thấy khả năng sống sót và thích nghi của các loài trước biến đổi khí hậu phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của các điều kiện khí hậu.
Khí hậu đã biến đổi hàng trăm triệu năm qua. Trong quãng thời gian đó, các cộng đồng động, thực vật đã có sự điều chỉnh và rất bền bỉ. Nhưng tình trạng thay đổi khí hậu do con người gây ra, đang diễn ra với tốc độ và cường độ lớn hơn.
Để hiểu rõ hơn về phản ứng của động, thực vật trong tương lai, các nhà khoa học cần mô tả chính xác hơn cách biến đổi khí hậu đã tác động ra sao đến đa dạng sinh học trong quá khứ. Theo một khảo sát mới về biến đổi khí hậu xuyên suốt lịch sử của Trái đất, thì hầu hết động, thực vật đều có khả năng di chuyển và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất được công bố trên tạp chí Trends in Ecology and Evolution cho thấy có rất ít điểm tương đồng trong lịch sử về tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
David Bravo-Nogues, nhà sinh thái học và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã thu thập được số lượng lớn nghiên cứu về những sự kiện mà chúng tôi biết đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trong hàng triệu năm qua. Tuy nhiên, cường độ hiện tại và tốc độ thay đổi chưa từng có trong tự nhiên có thể vượt quá khả năng thích ứng của chúng“.
Trước đây, các nhà sinh thái học và các nhà sinh học tiến hóa cho rằng phần lớn các loài sống sót trong điều kiện biến đổi khí hậu là nhờ di chuyển. Nhưng cuộc khảo sát mới nhất cho thấy một số loài có thể tìm ra những phương thức khác để thích nghi.
Stephen Jackson, giám đốc Trung tâm Khoa học thích ứng khí hậu Tây Nam thuộc Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ cho biết: “Thông qua các tư liệu lưu trữ về hóa thạch và sinh học khác, chúng tôi được tiếp cận với số lượng nghiên cứu điển hình gần như vô hạn xuyên suốt lịch sử của Trái Đất. Qua đó, chúng tôi đã tích lũy được kiến thức có giá trị về cách biến đổi khí hậu với tốc độ, cường độ và loại hình khác nhau có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học“.
Nhóm nghiên cứu hy vọng nỗ lực nghiên cứu mới của họ sẽ giúp các nhà bảo tồn xác định những loài và hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu và điều chỉnh các chính sách cho phù hợp.
Francisco Rodriguez-Sanchez, nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu Tây Ban Nha cho rằng: “Chúng tôi biết động, thực vật đã đẩy lùi nạn tuyệt chủng trước đây bằng cách thích nghi hoặc di cư. Tuy nhiên, các mô hình mà chúng tôi sử dụng hiện nay để dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai, dự đoán cường độ và tốc độ thay đổi, rất hiếm gặp trong hàng triệu năm qua. Do đó, chúng tôi sẽ cần phải nâng cao nhận thức và cải tiến các mô hình dự báo. Bên cạnh đó, chúng ta cần xác định những hạn chế của các mô hình, vì chúng được sử dụng để thông tin cho các chính trị gia và người ra quyết định về tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học“.
Các nghiên cứu trước đây nêu rõ việc bảo vệ các hốc sinh thái và vùng hoang dã với những nơi cư trú đa dạng có thể làm tăng khả năng sinh tồn của các loài trước biến đổi khí hậu.
N.T.T (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2018/08/30/Study-to-help-scientists-predict-climate-changes-impact-on-biodiversity/6761535653331