Theo một nghiên cứu mới, phương thức quản lý một số cánh đồng lúa được tưới tiêu trên toàn thế giới với các chu kỳ tưới nước sau những thời kỳ khô hạn, có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm khí nhà kính trên hành tinh cao gấp hai lần đánh giá trước đây.
Lúa là cây trồng chủ lực nuôi sống ít nhất một nửa trong số 7 tỷ người trên thế giới, nhưng phương thức quản lý các cánh đồng lúa lại gây tác động lớn đến khí hậu Trái đất đang ấm lên. Nghiên cứu đã được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tại Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF) phi lợi nhuận đã xem xét kỹ hơn khối lượng phát thải nitơ oxit (N2O), chất ô nhiễm không khí lâu dài mạnh hơn metan hoặc CO2. N2O tăng khi các cánh đồng lúa được để khô trước khi tưới nước trở lại. Quá trình này được gọi là tưới nước gián đoạn, diễn ra khi lượng nước giảm xuống thấp hơn mức cần cho đất vài lần mỗi năm. Quá trình này được một số nông dân trồng lúa sử dụng, nhưng vẫn chưa xác định cụ thể số lượng người sử dụng. Vì quá trình này khử metan, nên khí nhà kính khác sẽ phát thải từ các cánh đồng lúa.
“Khi đất thường xuyên ở trạng thái ẩm ướt và khô, đây là môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn sản sinh oxit nitơ“, Kritee Kritee, nhà khoa học cao cấp tại EDF giải thích. “Mặt khác, metan được tạo ra bởi các vi khuẩn cần có đất ngập nước để sinh sống. Gần như tất cả các trang trại tưới tiêu trên thế giới liên tục bị ngập nước và các trang trại bị ngập liên tục không tạo ra khối lượng lớn nitơ oxit”. Nhưng thực tế, tất cả các trang trại không phải liên tục bị ngập nước. Đó là lý do Kritee cho rằng toàn bộ tác động đến khí hậu của hoạt động canh tác lúa đã bị đánh giá rất thấp.
200 nhà máy điện than
Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện nay, lượng phát thải N2O trên toàn cầu từ canh tác lúa có thể cao bằng mức ô nhiễm khí hậu hàng năm do khoảng 200 nhà máy điện than gây ra.
Theo ước tính, chỉ riêng ở Ấn Độ nơi nghiên cứu diễn ra trên 5 cánh đồng lúa bị ngập nước một cách gián đọan, lượng khí thải nitơ oxit “cao gấp 30 – 45 lần so với các cánh đồng bị ngập nước liên tục“. Phát thải nitơ oxit trên mỗi hecta cao gấp 3 lần mức trong nghiên cứu về các trang trại bị ngập nước không liên tục trước đây.
Kritee cho rằng: “Khi thông tin mới này được ngoại suy trên toàn thế giới và được đưa vào các ước tính về khí thải metan, thì tác động thực tế từ cả khí metan và nitơ oxit đến khí hậu có thể cao gấp hai lần ước tính trước đây“.
Các chuyên gia cho rằng phương thức tốt hơn mà tất cả các nông dân trồng lúa áp dụng nên áp dụng, đó là làm ngập nước các cánh đồng lúa ở mức vừa phải, nghĩa là mực nước trong phạm vi khoảng từ 5-7cm so với mặt đất.
Hiện nay, N2O phát thải từ hoạt động trồng lúa không được theo dõi trên quy mô rộng và không được đề cập trong bản thống kê khí nhà kính do các nước sản xuất lúa gạo lớn như Trung Quốc và Ấn Độ báo cáo cho Liên hợp quốc.
P.T.T (NASATI), theo https://phys.org/news/2018-09-nitrous-oxide-emissions-rice-farms.html#jCp,