Vùng ven biển Nam sông Hậu nước trong các sông, kênh, rạch hầu như bị nhiễm mặn quanh năm, nên nguồn nước dưới đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng nam sông Hậu. Trong những năm qua việc khai thác NDĐ phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là là phục vụ tưới cho cây trồng đã giúp cho đời sống của người dân vùng ven biển Nam sông Hậu ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong đợt hạn hán, thiếu nước đầu năm2020 thì nguồn nước dưới đất là nguồn cung cấp cho nước sinh hoạt quan trọng cho người dân.
Trước diễn biến thời tiết bất thường, phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu nguồn nước dưới đất là tài nguyên vô cùng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Do vậy, việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước dưới đất vùng Nam sông Hậu nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung là hết sức cần thiết.
Nguồn nước dưới đất trong cồn cát đã được người dân khai thác sử dụng cho sinh hoạt và tưới ở một số khu vực vùng Nam sông Hậu và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nguồn gốc, điều kiện hình thành và trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất trong cồn cát ven biển vùng Nam sông Hậu.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trung tâm giám sát tài nguyên nước và Hỗ trợ phát triển lưu vực sông cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Th.S Tăng Hữu Đông thực hiện “Nghiên cứu nguồn gốc hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất trong các cồn cát ven biển và đề xuất giải pháp khai thác sử dụng bền vững phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Nam sông Hậu” với mục tiêu: Xác định nguồn gốc, điều kiện hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất trong các cồn cát ven biển vùng Nam sông Hậu; Đưa ra được các phương án khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất trong các cồn cát ven biển phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Nam sông Hậu.
Trên thế giới có rất nhiều công trình nghiên cứu sâu và chi tiết, cả về lý thuyết cũng như khảo sát thăm dò thực địa về về hình dạng, điều kiện hình thành, cũng như cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn của các cồn cát, nguồn hình, đặc tính thủy động lực, cơ chế xâm nhập mặn, mức độ chứa thấm nước, thành phần hóa học của nước dưới đất… các tầng chứa nước ven biển trong đó có các tầng chứa nước trong cồn cát. Nhiều phương pháp hiện đại trong thăm dò đánh giá nước dưới đất các tầng chứa nước ven biển như các phương pháp địa vật lý, viễn thám, kỹ thuật đồng vị, nhiều mô hình số đã được phát triển và áp dụng trong đánh giá trữ lượng, dự báo xâm nhập mặn nước dưới đất vùng ven biển.
Đề tài “Nghiên cứu nguồn gốc hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất trong các cồn cát ven biển và đề xuất giải pháp khai thác sử dụng bền vững phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Nam sông Hậu” đã nghiên cứu, đánh giá yếu tố tự nhiên, nhân tạo ảnh hưởng đến nguồn nước dưới đất trong cồn cát; Xác định được diện tích, quy luận phân bố và đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thuỷ văn của cồn cát; xác định được nguồn gốc, điều kiện hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất trong cồn cát; đánh giá được lượng nước mưa bổ cập cho nước dưới đất trong cồn cát; đánh giá được trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất trong cồn cát và đề xuất được các giải pháp quản lý, khai thác sử dụng nước dưới đất trong cồn cát.
Kết quả chính đạt được bao gồm:
Tổng hợp, đánh giá được hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trong khu vực, đặc biệt là việc khai thác nước dưới đất cho mục đích tưới;
Xác định được diện tích, quy luật phân bố và đánh giá được đặc điểmcấu trúc địa chất, địa chất thuỷ văn của cồn cát ven biển, các cồn cát có nguồn gốc trầm tích gió nằm phía trên trầm tích biển, đầm lầy tạo thành hệ thống thuỷ lực chung.
Sử dụng phương pháp đồng vị xác định được nguồn gốc hình thành của nước dưới đất trong cồn cát là từ nguồn nước mưa, đồng thời xác định được trầm tích cồn cát có tuổi hiện đại.
Phân tích tài liệu quan trắc động thái nước dưới đất trong cồn cát trong thời gian quan trắc từ 5/10/2019 tới 14/6/2020 tổng lượng dòng chảy ra là 41,5mm, tổng lượng cung cấp thấm là 76 mm, tổng lượng bốc hơi là 271 mm. Tổng lượng mưa trong thời kỳ quan trắc là 310 mm, tổng lượng bốc hơi trong thời kỳ qan trắc là 808 mm. Tổng lượng cung cấp thấm bằng 24,5 % tổng lượng mưa thời kỳ quan trắc. Lượng bốc hơi lớn do thời kỳ quan trắc có 9 tháng trong đó thời gian mùa khô chiếm tỷ lệ lớn.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18608/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn