Hầu như vườn cây ăn trái thường cao hơn đầu người nên phải hướng vòi phun lên cao, nước thuốc dễ rơi vào người phun, lượng nước thuốc rơi vãi xuống đất nhiều dễ gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn việc phun thuốc cho vườn cây ăn trái không có dụng cụ phun phù hợp mà vẫn dùng bình phun thuốc thông thường, thủ công.

Loại bình phun này không thể phun lên cao được nên thường phải nới béc để tia phun có thể phun lên cao. Việc này làm cho hạt thuốc phun ra có kích thước quá lớn nên không bám dính được vào lá bao nhiêu mà rơi rớt trở lại xuống dưới, và như vậy rất dễ rơi vào cơ thể người phun thuốc đứng bên dưới. Gần đây, có một số nghiên cứu của các nhà nông, trồng vườn ở một số các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ đã có gắng cơ khí hoá công việc phun thuốc trừ sâu nhưng nhìn chung đều có những hạn chế lớn như không thay đổi được độ cao phun, kích thước xe cồng kềnh, phải có người trực tiếp ngồi trên xe mui trần lái, không thích hợp vào việc phun thuốc diệt trừ sâu bệnh cho các vườn cây ăn trái.

Các loại máy, thiết bị hoạt động theo nguyên lý cơ khí – tự động hoá phun thuốc trừ sâu diệt trừ sâu bệnh cho vườn cây ăn trái chưa có trên thị trường của Việt Nam. Chính vì vậy cần phải có một thiết bị phun thuốc trừ sâu chuyên dụng phù hợp cho vườn cây ăn trái, thiết bị cho phép phun được tầm cao và tầm thấp với áp lực đủ mạnh để tia nước thuốc phun ra mịn giúp tăng hiệu lực thuốc. Thiết bị có thể được điều khiển từ xa giúp người vận hành ngăn chặn được tối đa lượng thuốc xâm nhiễm vào cơ thể do thuốc rơi từ trên xuống, do đi lại trên mặt đất ướt sủng thuốc… Từ những lý do trên, năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển xe tự hành phun thuốc trừ côn trùng cho vườn cây ăn  trái”.  Chủ  nhiệm  đề  tài  là TS. Bùi Mạnh Tuân.

Một số kết quả của nghiên cứu:

  • Đã khảo sát và phân tích các cơ cấu cơ khí và điều khiển của thiết bị tự hành phun thuốc trừ côn trùng cho vườn cây ăn trái.
  • Đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo phần khung máy, cụm truyền lực, cụm lái, cụm giữ ổn định, cụm phun thuốc.
  • Đã nghiên cứu thiết kế, xây dựng và lắp đặt bộ điều khiển và hệ thống điện.

 

  • Đã tích hợp hệ thống và lắp đặt xe tự hành phun thuốc trừ côn trùng cho vườn cây ăn trái.
  • Đã vận hành thử nghiệm và hiệu chỉnh thông số công nghệ.
  • Đã xây dựng quy trình vận hành và bảo dưỡng thiết bị.
  • Đã thử nghiệm và đánh giá khả năng sử dụng trong thực tế.

Các sản phẩm của đề tài bao gồm: Thiết kế chi tiết thiết bị tự hành có khả năng phun thuốc trừ sâu diệt trừ sâu bệnh cho vườn cây ăn trái; Thiết bị tự hành có khả năng phun thuốc trừ sâu diệt trừ sâu bệnh cho vườn cây ăn trái; và Bộ bản vẽ thiết kế.

Đề tài đã tạo ra thiết bị có kết cấu đơn giản, không yêu cầu độ chính xác và tay nghề quá cao trong khi chế tạo. Một cơ sở sản xuất cơ khí trung bình hoàn toàn có thể gia công, chế tạo được. Các thiết bị, linh kiện khác dễ dàng mua được trên thị trường.

Thiết bị được thiết kế, chế tạo thành công và sẽ được chuyển giao cho các nhà vườn trồng cây ăn trái công nghiệp có nhu cầu. Thiết bị giúp giảm thời gian, nâng cao hiệu quả diệt trừ sâu bệnh và đảm bảo an toàn cho người phun thuốc.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14926/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

N.T.T (NASATI)