Trong những năm gần đây, tại các vùng trồng cây ăn quả có múi (CAQCM) và cây chè ở nước ta, nhện đỏ cam (Panonychus citri) và nhện đỏ nâu hại chè (Oligonychus coffeae) được đánh giá là những loài gây hại nguy hiểm. Với khả năng biến đổi gen lớn, ít di chuyển, kích thước cơ thể nhỏ bé, chu kỳ vòng đời ngắn, khả năng sinh sản cao, có phản xạ sinh lý thích ứng… các loài nhện đỏ rất dễ bùng phát về số lượng thành dịch. Nông dân thường có thói quen phun thuốc định kỳ để phòng trừ nhện nhỏ, có thể từ 10 đến 20 ngày phun một lần với các loại thuốc có độ độc cao, phun với liều lượng cao hơn khuyến cáo 1,5 – 2 lần, sử dụng không đúng thuốc đốivới đối tượng cần phòng trừ và sử dụng không đúng cách. Đó là các nguyên nhân khiến cho nhện đỏ trải qua sự chọn lọc khắc nghiệt và rất dễ dẫn đến kháng thuốc. Với diễn biến tác hại của nhện đỏ trên địa bàn một số tỉnh trồng cây ăn quả có múi và cây chè trong những năm gần đây đều có chiều hướng gia tăng về sự giảm sút hiệu quả của các loại thuốc đưa vào sử dụng, vấn đề nghiên cứu về tính kháng thuốc để đưa ra giải pháp kỹ thuật khắc phục tính kháng thuốc phục vụ cho công tác ch đạo là yêu cầu bức thiết của sản xuất hiện nay và lâu dài.

Xuất phát từ những thực tiễn như thế, Cơ quan chủ trì Viện bảo vệ thực vật phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thị Nhung để thực hiện đề tài “Nghiên cứu tính kháng thuốc của nhện đỏ hại cây ăn quả có múi, chè và biện pháp quản lý ở Việt Nam” với mong muốn đưa ra được các giải pháp quản lý nhện đỏ hại cây ăn quả có múi và chè một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu cấp bách hiện nay là ngăn chặn nguy cơ hình thành tính kháng thuốc của nhện đỏ đối với cây chè và cây ăn quả có múi.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

  • Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc BVTV phòng trừ dịch hại trên CAQCM tại một số huyện thuộc các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Hậu Giang cho thấy: số lần phun thuốc BVTV phòng trừ dịch hại trung bình từ 12 đến 17 lần/năm (trừ sâu 3-5 lần, trừ bệnh 5-6 lần, trừ nhện 3-4 lần, trừ cỏ 1-3 lần).

 

  • Các hoạt chất thuốc được sử dụng nhiều để phòng trừ nhện đỏ là: Fenpyroximate (10,19-17,33%), Abamectin (8,96-31,47%), Propargite (4,26-23,80%), Emamectin benzoate (5,24-24,79%), Pyridaben (5,19-15,12%) tỷ lệ là khác nhau ở từng địa phương.
  • Phân tích mức độ kháng thuốc của nhện đỏ P. citri năm 2014 – 2016 cho thấy quần thể nhện đỏ cam chanh tại các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Hậu Giang đã kháng với các thuốc: Silsau 10WP, Reasgant 1.8EC, Abatimec 3.6EC, Catex 3.6EC (Abamectin); Bini-58 40EC, Vidithoat 40EC (Dimethoate); Tasieu 1.9EC, Eagle 5EC (Emamectin benzoate); Ortus 5SC (Fenpyroximate); Danitol 10EC (Fenpropathrin); Alfamite 15EC, Koben 15EC (Pyridaben); Comite 73EC (Propargite) với chỉ số kháng biến động từ 11,5- 19,6.
  • Khi đánh giá khả năng kháng chéo của nhện đỏ cam chanh với các loại thuốc cùng nhóm và khác nhóm cho thấy chúng mới biểu hiện kháng với chính nhóm đó, chưa biểu hiện kháng với các thuốc khác nhóm. Nòi nhện đỏ kháng Abamectin biểu hiện tính kháng mạnh nhất đối với chính Abamectin (Ri = 38,23) và thuốc Emamectin benzoate (Ri = 29,16). Nòi nhện đỏ kháng Pyridaben biểu hiện tính kháng mạnh nhất với chính Pyridaben (Ri = 19,5).
  • Xây dựng thành công hai mô hình quản lý tổng hợp tính kháng thuốc của nhện đỏ P.citri trên cây bưởi Sửu tại Phú Thọ (với diện tích 15.500 m2, hiệu quả trừ nhện đỏ đạt 71,73-87,21%, hiệu quả kinh tế tăng 19,7-20,9%) và trên cây cam Sành tại Hậu Giang (với diện tích 15.000 m2, hiệu quả trừ nhện đỏ đạt 69,33% đến 89,35%, hiệu quả kinh tế tăng 16,06-17,97%). Phát 500 tờ rơi với nội dung “Nhện đỏ cam chanh (Panonychus citri McGregor) và biện pháp quản lý tính kháng thuốc theo hướng IPM trên cây ăn quả có múi” cho các cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13891/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)