Ngày nay, với những mô hình chăn nuôi quy mô công nghiệp ngày càng phát triển thì kéo theo đó dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp. Trong đó, bệnh Dịch tả lợn (DTL) cổ điển là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn bởi sự lây lan mạnh, tỷ lệ chết cao (85-100%) cho mọi lứa tuổi và gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Bệnh DTL do vi rút thuộc chi Pestivirus, họ Flaviviridae gây ra; bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm hoặc gián tiếp qua các chất bài tiết, thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi. Để chủ động phòng, chống dịch thì việc chẩn đoán phát hiện vi rút DTL sớm và tiêm phòng vắc xin DTL là những biện pháp hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, các vắc xin DTL được sử dụng chủ yếu là vắc xin nhược độc, loại vắc xin này có ưu thế vượt trội là khả năng tạo miễn dịch bảo hộ sớm, hiệu quả miễn dịch cao cũng như độ dài miễn dịch. Tuy nhiên, muốn hướng tới phát triển ngành Chăn nuôi an toàn, sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu khắt khe của khu vực và thế giới – nơi vắc xin nhược độc bị cấm sử dụng, thì phải sớm thanh toán được bệnh DTL. Vắc xin DTL, dù được sản xuất bằng công nghệ nào (truyền thống hay hiện đại), cũng đều mang protein vỏ (capsid protein) có tính sinh miễn dịch. Một trong những công nghệ tiên tiến đang được áp dụng trong nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh do DTL gây ra là công nghệ protein tái tổ hợp. Những thành công bước đầu trong ứng dụng công nghệ này để tái tổ hợp protein E2 của DTL, protein có tính sinh miễn dịch chủ yếu của DTL, đã mở ra kỷ nguyên mới trong nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện vắc xin phòng các bệnh có liên quan đến DTL ở lợn.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng chống các bệnh có liên quan với DTL và những thành công đã đạt được trong việc sử dụng hệ thống baculovirus nhằm sản xuất protein tái tổ hợp, nhóm nghiên cứu tại Viện thú y do TS. Trần Thị Thanh Hà dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất vắc xin vô hoạt chứa tiểu phần E2 trên hệ thống biểu hiện baculovirus phòng bệnh Dịch tả lợn” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài nhằm hướng đến các mục tiêu sau: (1) Nghiên cứu tạo Baculovirus tái tổ hợp mang protein E2 của vi rút DTL trên tế bào côn trùng SF21AE; (2) Nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học và hoạt tính miễn dịch của protein E2 tái tổ hợp bằng hệ thống biểu hiện baculovirus; (3) Nghiên cứu lựa chọn phương pháp bất hoạt, chất bổ trợ và xác định độ dài miễn dịch của vắc xin tiểu phần phòng bệnh DTL; và  (4) Sản xuất vắc xin DTL và xây dựng quy trình sản xuất, kiểm nghiệm, bảo quản và sử dụng vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh DTL.

Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

  1. Đã giải trình tự toàn bộ gen của vi rút DTL chủng VN91. Đây được xem cơ sở khoa học quan trọng và là tiền đề để nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh DTL tại Việt Nam, trong đó có vắc xin vô hoạt chứa tiểu phần E2.
  2. Đã tái tổ hợp thành công baculovirus chứa tiểu phần E2 của vi rút dịch tả lợn cổ điển chủng thực địa VN91. Baculovirus chứa tiểu phần E2 có khả năng nhân lên tốt trên tế bào côn trùng SF21AE.
  3. Baculovirus bất hoạt chứa tiểu phần E2 có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch cao và tỷ lệ bảo hộ là 100% khi thử thách với các chủng vi rút thực địa cường độc đang lưu hành tại Việt Nam (genotype 1.1, 2.1 và 2.2), tương đương với vắc xin thương mại cùng loại nhập khẩu.
  4. Đã xác định được liều (107 pfu/ml), lựa chọn được phương pháp bất hoạt (BEI 10 mM/48h) và chất bổ trợ phù hợp (ISA 201 VG) cho vắc xin vô hoạt chứa tiểu phần E2 phòng bệnh dịch tả lợn.
  5. Đã xây dựng được quy trình sản xuất, kiểm nghiệm, bảo quản và sử dụng vắc-xin protein tái tổ hợp tiểu phần E2 vi rút DTL. Quy trình đã được Hội đồng Khoa học công nghệ cơ sở nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
  6. Đã sản xuất được 55.200 liều vắc-xin vô hoạt tiểu phần E2 vi rút DTL. Vắc-xin đạt các chỉ tiêu vô trùng, an toàn (100%), hiệu lực (100%) trên lợn. Vắc-xin đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y TWI đánh giá đạt yêu cầu theo quy định.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về sản xuất vắc xin vô hoạt chứa tiểu phần E2 từ chủng vi rút DTL VN91 được phân lập tại Việt Nam. Nghiên cứu có giá trị khoa học cao, đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc nhóm uy tín cao Q1/dược học theo Scopus (năm 2019) với hệ số ảnh hưởng (impact factor) là 3.6. Đồng thời, là nghiên cứu đầu tiên ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào việc nghiên cứu phát triển vắc xin vô hoạt chứa tiểu phần E2 của vi rút DTL trên hệ thống baculovirus tại Việt Nam.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18405/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)  vista.gov.vn