Ở Việt Nam, ngoài các dự án xây dựng mới các tuyến đường sắt đô thị, metro hay đường sắt cao tốc sau này, thì đối với đường sắt quốc gia hiện tại đầu tư nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ về các thiết bị ATP bảo vệ an toàn cho các đoàn tàu đã chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước đây đã có nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân từ sai sót của người lái tàu không dừng tàu trước cột hiệu có biểu thị đỏ hoặc chạy tàu quá tốc độ. Nhiều vụ tai nạn có thể được ngăn ngừa nếu thiết bị ATP được trang bị đồng thời với thiết bị tín hiệu chạy tàu.

Vì thế, nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Hồng Minh tại Viện Ứng dụng công nghệ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo và thử nghiệm Hệ thống phòng vệ đoàn tàu tự động kiểu điểm (I-ATP) nâng cao an toàn và năng lực vận tải đường sắt Việt Nam” từ năm 2016 đến năm 2019.

Mục tiêu của đề tài là làm chủ công nghệ chế tạo Hệ thống phòng vệ đoàn tàu tự động kiểu điểm (I-ATP); chế tạo thành công 01 Hệ thống I-ATP mẫu để áp dụng thử nghiệm cho đường sắt Việt Nam; và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thiết kế, chế tạo và khai thác hệ thống IATP.

Triển khai nghiên cứu với các nội dung đã được trình bày, đề tài đã thiết kế, chế tạo và xây dựng các sản phẩm theo như thuyết minh và hợp đồng như đã đăng ký, cụ thể:

  • Sản phẩm dạng I

Hệ thống phòng vệ đoàn tàu tự động kiểu điểm (I-ATP) mẫu bao gồm các hệ thống con I-ATP ga và I-ATP đầu máy, trao đổi thông tin qua kênh vô tuyến. Hệ thống hoạt động theo mô hình Client – Server, trong đó I-ATP ga là server, các IATP tàu là các clients.

  • Sản phẩm dạng II
  • Bộ tài liệu thiết kế, chế tạo Hệ thống phòng vệ đoàn tàu tự động kiểu điểm (I-ATP) phù hợp với điều kiện Việt Nam.
  • Báo cáo kết quả lắp đặt và thử nghiệm hệ thống.
  • Bộ phần mềm mô phỏng mô hình chạy tàu áp dụng hệ thống I-ATP.
  • Sản phẩm dạng III

Các bài báo khoa học:

  1. “Research Intermittent Automatic Train Protection (I-ATP) system suitable for rail transport in Vietnam to improve the safety and capacity transportation”; Kỷ yếu hội thảo “Phát triển đường sắt Việt Nam và kinh nghiệm của Trung Quốc”.
  2. “Giải pháp tính khoảng cách từ tàu đến mốc phía trước sử dụng định vị vệ tinh”; Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  3. “Xây dựng giao thức dữ liệu truyền thông giữa mặt đất và đoàn tàu”; Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  4. “Thiết kế bộ điều khiển mờ thích nghi trong hệ thống tự động phòng vệ đoàn tầu”; Tạp chí Giao thông vận tải.

Hướng kết hợp chặt chẽ giữa thiết bị ATP và thiết bị tín hiệu điều khiển chạy tàu ở các ga là một giải pháp công nghệ mới có thể đem lại sự tiện lợi, tin cậy và kinh tế hơn đối với đường sắt Việt Nam nói riêng và đường sắt thế giới nói chung. Giải pháp sẽ phát huy hiệu qua tốt hơn với các tuyến đường sắt có nhiều ga lớn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16738/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)