Ở Việt Nam, nghề nuôi cá đang phát triển mạnh đặc biệt việc nuôi cá basa, cá tra phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, cá basa, cá tra xuất khẩu chủ yếu được sử dụng phần thịt cá philê, các phụ phẩm như: đầu, xương, mỡ, da,… chưa được tận dụng một cách hiệu quả. Đặc biệt là mỡ cá loại phụ phẩm này nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm lãng phí nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho con người. Trên thực tế, mỡ cá chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc, dầu diesel sinh học và một lượng lớn do thương lái Trung Quốc mua gom với giá cả luôn biến động không có lợi cho người dân.

Xuất phát từ những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Thị Thanh Xuân tại Trường Đại học Đồng Tháp đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tổng hợp một số chất lỏng ion dùng để tách chiết Omega-3,6,9 trong mỡ cá basa ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” từ năm 2017 đến năm 2019.

Đề tài hướng đến thực hiện hai mục tiêu sau: tổng hợp được 6.000 gam chất lỏng ion dạng DES; và sử dụng chất lỏng ion dạng DES để tách chiết 10kg Omega-3,6,9 từ mỡ cá basa hàm lượng ≥ 90%.

Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

a/ Đã nghiên cứu tổng hợp một số chất lỏng ion ứng dụng tách và làm giàu Omega-3,6,9 từ mỡ phụ phẩm cá basa gồm:

  • Tổng hợp chất lỏng ion dạng DES (1:1).
  • Tổng hợp 4 mẫu chất lỏng ion dạng alkyl benzimidazole (2- pentylbenzi-midazole, 2-heptylbenzimidazole, 2-octylbenzimidazole, 2- nonylbenzimidazole).
  • Tổng hợp thêm 3 mẫu chất lỏng ion họ imidazolebromide (1- ethyl-3-methylimi-dazole bromide; 1-propyl-3-methylimidazole bromide; 1-buthyl-3-methylimidazole bromide). Xác định một số chỉ số vật lý (độ nhớt, tỷ trọng, PH…) và bằng phương pháp phân tích hóa lý (GC-MS, DSC, TAG, IR, NMR…) xác định độ sạch, nhiệt độ nóng chảy, cấu trúc…

b/ Đã tiến hành khảo sát hàm lượng axít béo trong cá basa và cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long và nhận thấy hàm lượng omega-3,6,9 trong phần phụ phẩm của cá basa, cá tra chiếm khá cao (là 5.13% và 6.12%).

c/ Nghiên cứu tách và làm giàu Omega-3,6,9 bằng các chất lỏng ion đã tổng hợp được.

  • Đối với chất lỏng ion dạng DES có thể được sử dụng để tách và làm giàu Omega-3,6,9 có hàm lượng khoảng 57% trong nguyên liệu lên hàm lượng đến 91% chỉ với một lần thao tác. Hiệu suất của qui trình này là 26,33 % tính theo lượng omega có trong ester nguyên liệu.
  • Đối với chất lỏng ion dạng alkylbenzimidazole khi dùng tách và làm giàu Omega-3,6,9 của sản phẩm chỉ đạt tối đa 87%. Tuy nhiên hiệu suất của một lần tách không cao, chỉ nằm trong khoảng 15% nguyên liệu ban đầu. Điều đáng ghi nhận là hàm lượng omega-3 khá cao do có sự chuyển hóa của những chất khác mà thành.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã mở ra hướng triển vọng mới cho việc tách và làm Omega-3,6,9 từ mỡ của nguồn phụ phẩm trong chế biến xuất khẩu cá basa, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và tạo nguồn omega rẻ tiền phục vụ trong nước.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16739/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)