Trong những năm qua ngành Da – Giầy luôn là ngành xuất khẩu đứng thứ ba trong cả nước. Ngoài việc đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước ngành Da – Giầy đã và đang tạo công ăn việc làm cho hơn một triệu lao động cả trực tiếp và gián tiếp, góp phần ổn định xã hội và chuyển dịch cơ cấu sản xuất của đất nước.

Đặc thù của ngành là luôn đòi hỏi sử dụng nhiều nguyên liệu trong sản xuất trong đó nguyên liệu chính cho quá trình thuộc da là da động vật (da tươi hoặc da được bảo quản…)m các loại hóa chất như crom vôi tanin dầu mỡ khoáng, phẩm nhuộm, axit, kiềm, muối, các chất tẩy rửa enzym… Tỷ lệ và thành phần hóa chất sử dụng phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị sử dụng, yêu cầu kiểu mẫu và chất lượng da thuộc. Mức độ tiêu thụ nước, năng lượng và hóa chất cho một tấn da nguyên liệu của các doanh nghiệp thuộc da trong nước vẫn cao.

Việc sử dụng hóa chất trong các quy trình thao tác của công nghệ thuộc da không chỉ gặp khó khăn trong khâu sử dụng mà phát sinh dòng thải gây ô nhiễm môi trường dưới cả 3 dạng rắn, lỏng và khí. Nước thải thuộc da chứa những chất hòa tan và không hòa tan bao gồm nước và các loại hóa chất cùng với các cặn bã khác phát sinh trong quá trình sản xuất 80% ô nhiễm nước thải thuộc da phát sinh ở khâu chuẩn bị thuộc. Nước thải thường với mùi đặc trưng rất khó chịu màu xám đục và chứa nhiều chất độc hại các chỉ tiêu trong nước thải như COD BOD… cao hơn gấp nhiều lần TCVN.

Việc nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để thay thế một phần hoặc hoàn toàn hóa chất truyền thống trong khâu chuẩn bị thuộc nhằm giảm thiểu lượng hóa chất độc hại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là hướng nghiên cứu quan trọng và cấp thiết hiện nay của ngành công nghiệp thuộc da. Tuy nhiên trong ngành công nghiệp thuộc da việc sử dụng chế phẩm sinh học tại Việt Nam là những bước đi còn rất mới mẻ. Trước vấn đề nóng đặt ra này, để có thể thay thế một phần hoặc hoàn toàn hóa chất sử dụng trong quá trình thuộc da nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Như Thanh, Viện Nghiên cứu Da-Giầy, đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học PiP HSS nhằm giảm lượng hóa chất sử dụng trong quá trình thuộc da”.
Sau thời gian 2 năm triển khai thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu được các có kết quả như sau:

– Đã xây dựng được hoàn thiện quy trình công nghệ áp dụng chế phẩm sinh học PiP HSS trong thuộc da mũ giầy quy mô nhỏ; Lượng hóa chất sử dụng giảm đáng kể trong quy trình công nghệ áp dụng chế phẩm sinh học PiP HSS thuộc da mũ giầy quy mô nhỏ; Lượng khí NH3, H2S trong khí thải giảm rõ rệt trong quy trình công nghệ áp dụng chế phẩm PiP HSS thuộc da mũ giầy quy mô nhỏ; Nồng độ ô nhiễm trong nước thải giảm đáng kể khi áp dụng chế phẩm sinh học PiP HSS thuộc da mũ giầy; Đánh giá được hiệu quả kinh tế môi trường và đưa ra giải pháp ứng dụng trong thực tế.

– Đối với hiệu quả kinh tế: Việc áp dụng chế phẩm sinh học PiP HSS trong thuộc da mũ giầy đã làm giảm giá thành sản phẩm xuống so với công nghệ sử dụng hóa chất truyền thống; Các chỉ tiêu ô nhiễm trong không kh nước thải giảm đáng kể làm giảm chi phí xử lý môi trường.

– Đối với hiệu quả về môi trường: Nồng độ khí độc giảm rõ rệt đảm bảo sức khỏe người lao động và môi trường xung quanh; Nồng độ ô nhiễm trong nước thải giảm, chi phí xử lý giảm.

– Đề xuất giải pháp ứng dụng của đề tài vào thực tế.

Sau quá trình nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tối ưu hóa được quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học PiP HSS trong sản xuất da mũ giầy quy mô nhỏ dựa trên thiết bị hiện có tại Xưởng thực nghiệm, Trung tâm công nghệ thuộc da, Viện nghiên cứu Da-Giầy.

Quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học trong thuộc da sử dụng các thiết bị mà bất kỳ cơ sở thuộc da nào cũng phải sử dụng, do vậy việc sử dụng chế phẩm sinh học PiP HSS trong thuộc da hoàn toàn tương thích với các cơ sở này.

Trước thực tế hiện nay các cơ sở thuộc da tại Việt Nam đều nằm nằm trong các khu dân cư hoặc xen kẽ trong các khu công nghiệp khác nhau gây ảnh hưởng tới môi trường sống, làm việc của dân cư và các cơ sở liền kề do mùi phát sinh trong các công đoạn khác nhau của quá trình thuộc da do đó việc sử dụng chế phẩm sinh học PiP HSS trong một số công đoạn đã làm giảm thiểu ô nhiễm không khí trong xưởng thuộc da cũng như giảm thiểu phát thải ô nhiễm không khí ra môi trường xung quanh nên việc sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình thuộc da hoàn toàn khả thi.

Khi sử dụng chế phẩm sinh học trong một số công đoạn của quá trình thuộc da đã làm giảm nồng độ ô nhiễm trong nước thải dẫn tới chi phí xử lý giảm. Giải quyết bài toán nước thải thuộc da sao cho hiệu quả và kinh tế là bài toán khó đối với mỗi cơ sở thuộc da. Việc giảm giá thành xử lý nước thải đồng nghĩa với việc làm giảm giá thành sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường như vậy các cơ sở thuộc da hoàn toàn có cơ sở để áp dụng công nghệ này.

Thành công của đề tài mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học vào quá trình thuộc da, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp da – giầy. Trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt trong sản xuất cũng như xử lý môi trường. Do đó kết quả của đề tài sẽ được các doanh nghiệp thuộc da trên cả nước đón nhận. Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền của Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan phê duyệt và hỗ trợ để đề tài tiếp tục nghiên cứu thêm một số chế phẩm sinh học nhằm thay thế cho hóa chất trong thuộc da truyền thống đồng thời triển khai thành dự án sản xuất thử nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ, nhanh chóng áp dụng vào các doanh nghiệp sản xuất.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13289/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)