Từ những phế phụ phẩm nông nghiệp đã bị thải loại trong quá trình sản xuất, mụn dừa, xơ dừa… đã trở thành sản phẩm không chỉ hữu ích mà còn có giá trị gia tăng cao. Trước đây, phế phụ phẩm nông nghiệp nói chung và ngành chế biến dừa nói riêng có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả và thường gây ô nhiễm môi trường, do đó theo tác giả Đặng Văn Cử – Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến biến mụn dừa, bã dừa, mạt than, vụn chỉ… đều là các phế phụ phẩm nông nghiệp đã bị thải loại trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ dừa thành sản phẩm không chỉ hữu ích mà còn có giá trị gia tăng cao.
Phân bón, đất sạch từ mụn dừa
Theo nghiên cứu, thành phần trung bình của một quả dừa khô theo % trọng lượng, gồm: vỏ 33,33% (sợi xơ cứng 3,33%, sợi xơ mềm 6,67% và mụn 23,33%), gáo 15%, nước 21,66%, cơm dừa 30% (nước 15%, dầu 10% và bã 5%). Tùy theo giống dừa, độ chín tới, độ ẩm, lượng xơ của vỏ dừa thông thường hệ số chế biến từ vỏ dừa thành mụn dừa: trung bình 3,3 thiên vỏ dừa sẽ cho ra 1 tấn mụn dừa. Năm 2020, sản lượng mụn dừa của tỉnh Bến Tre vào khoảng 146.979 tấn, trong đó xuất khẩu 9.870 tấn nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra của Chương trình Phát triển ngành dừa giai đoạn 2016 – 2020 là 33.000 tấn do dịch COVI-19 và phần còn lại tiêu thụ nội địa.
Mụn xơ dừa là chất hữu cơ có một số tính chất và thành phần hóa học: Độ pH là 5,5; tỷ lệ C:N là 80:1; độ xốp 10-12%; chất hữu cơ: 9,4-9,8%; tổng lượng tro: 3-6%; Cellulose: 20-30%; Lignin: 60-70%; Tanin: 8,0-8,5% (thuộc loại pyrocatechic-tanin không thủy phân); EC (dS/m)=0,8.N%=0,5. P%=0,3. K%=0,4. Với đặc điểm và tính chất của mụn dừa để biến nó thành sản phẩm hữu ích, có giá trị gia tăng cao Bến Tre đã ứng dụng công nghệ xử lý EC theo nguyên lý cơ học, dựa vào ưu điểm của khuấy trộn và tính chất thủy lực. Việc tách nước ra khỏi mụn dừa đã được ngâm nước thực hiện bằng phương thức cán ép trục nghiêng qua hai công đoạn pha loãng và áp lực theo một chu trình liên tục, mụn dừa đạt độ ẩm từ 45 – 50%, chỉ tiêu EC và độ pH < 0,4. Thời gian xử lý EC từ 10 – 15 phút, trong khi áp dụng phương pháp truyền thống phải mất hơn 1 tháng. Mụn dừa sau khi xử lý EC đã trở thành đất sạch, sau đó được làm khô với ẩm độ từ 18 – 22% và ép viên thành phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Có thể nói, ở công đoạn này, công nghệ này đã biến mụn dừa từ phế phẩm đã bị thải loại, không có giá trị sử dụng còn gây ô nhiễm môi trường thành sản phẩm hữu ích là đất sạch tương đồng với quá trình nâng giá trị hữu dụng của mụn dừa từ 0 đồng/kg lên thành 2.300 đồng/kg mụn dừa chưa qua xử lý (theo thời giá hiện hành) và tiếp tục được nâng giá trị sử dụng lên 4.200 đồng/kg khi đã trở thành sản phẩm đất sạch. Và cũng từ đây quy trình sản xuất đất sạch từ mụn dừa đã ra đời, từ nguyên liệu mụn dừa sau khi xử lý để giảm hàm lượng muối (giảm EC) và giảm hàm lượng Tanin. Dùng phương pháp hóa học tách lignin trong mụn dừa và bổ sung thêm hệ vi sinh hữu ích, vi sinh kháng bệnh và vi lượng nên giá trị dinh dưỡng cao. Thời gian ủ vôi là 6 ngày; thời gian ủ xạ khuẩn là 5 ngày sau khi xử lý mụn bằng vôi. Sau 5 ngày tiếp tục ủ xạ khuẩn hàm lượng Cellulose cuối hai giai đoạn xử lý 19.69%, ligin tiếp tục giảm còn 22.87%, nitơ đạt 1.03%, tamin giảm còn 0.51%. Tỉ số C/N 29 là môi trường thích hợp cho việc sinh trưởng của cây con. Sản phẩm giá thể (đất sạch) trồng rau an toàn và trồng hoa-cây kiểng, phục vụ cho các khu nông nghiệp công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu.
Việc ứng dụng công nghệ để biến mụn dừa từ không hữu dụng thành có hữu dụng không chỉ dừng lại ở đó, nghiên cứu tiếp tục sử dụng các tác nhân sinh học để chuyển hóa nguồn cacbon (lignin và xenlulose) thô có trong mụn dừa thành các hợp chất mùn tinh. Từ đó tiếp tục ứng dụng công nghệ vi sinh để chế biến thành các loại phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và phối chế thêm các chất dinh dưỡng khoáng để có các sản phẩm phân bón chất lượng cao. Từ sản phẩm đất sạch ứng dụng công nghệ sinh học với chế phẩm vi sinh gốc (E.M BoKaShi; E.M.C-210; E.M.1107) được nhân sinh khối sau đó được tưới đều vào nguyên liệu mụn dừa. Bước tiếp theo là tiến hành ủ háo khí để có nguyên liệu bán thành phẩm. Từ nguyên liệu bán thành phẩm này tiến hành phối trộn các vi sinh vật hữu ích để có được sản phẩm phân hữu cơ vi sinh; hoặc phối trộn các loại khoáng đa lượng và vi lượng hình thành nên các dòng sản phẩm hữu cơ khoáng; hoặc đưa thêm các vật liệu hữu cơ chất lượng cao tạo thành các dòng sản phẩm phân hữu cơ sinh học cao cấp. Đó là quy trình sản xuất phân bón hữu cơ cao cấp từ mụn dừa và nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, thêm một lần nữa, Bến Tre đã biến sản phẩm đất sạch làm từ mụn dừa với giá 4.200 đồng/kg thành sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chiết tách tanin và công nghệ vi sinh vật đã xử lý, chế biến mụn dừa đã có thêm sản phẩm mới, đa dạng thêm các sản phẩm chế biến từ mụn dừa với hơn 7 sản phẩm đã được hình thành từ mụn dừa, đồng thời kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm mụn dừa góp phần ngày càng hoàn thiện chuỗi giá trị ngành dừa.NASATI