Hãng Pfizer đã phát triển được loại thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2 và ngăn chặn tình trạng mắc COVID-19 nặng. Dữ liệu ban đầu từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên quy mô lớn cho thấy thuốc đã phát huy hiệu quả tuyệt vời. Kết quả nghiên cứu mở ra một phương pháp mới điều trị COVID-19 qua đường uống giúp giảm 89% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao so với những người dùng giả dược.

Rất nhiều phương pháp điều trị từ vắc xin đến kháng thể đơn dòng đã được đưa ra kể từ khi virus corona mới xuất hiện vào đầu năm 2020. Nhưng trong kho vũ khí ấy còn thiếu một loại thuốc đơn giản có thể sử dụng tại nhà trong giai đoạn sớm nhất của COVID-19 trước khi bệnh diễn biến nặng.

Tháng 10 vừa qua, thuốc kháng virus gây COVID-19 đầu tiên dùng qua đường uống, đã xuất hiện sau khi công ty dược phẩm Merck công bố thông tin về thuốc molnupiravir của họ làm giảm 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19. Molnupiravir đã được bào chế như một loại thuốc kháng virus cúm trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, nhưng các nghiên cứu trước đây cho thấy thuốc molnupiravir cũng có hiệu quả chống lại virus SARS và MERS. Vì thế, loại thuốc này nhanh chóng được tái sử dụng làm chất kháng virus gây COVID-19.

Thuốc kháng virus mới của hãng Pfizer hơi khác một chút. Đây là loại thuốc đầu tiên được thiết kế đặc biệt nhằm vào SARS-CoV-2 để đạt được những kết quả khả quan trong các thử nghiệm lâm sàng trên người. Ban đầu, thuốc có tên là PF-07321332 (nay là PAXLOVID), đã được hình thành từ quá trình nghiên cứu lâu dài về một loại thuốc kháng virus nhằm vào virus SARS xuất hiện lần đầu xuất hiện cách đây 20 năm. Vào đầu năm 2020, hãng Pfizer đã nhanh chóng điều chỉnh phân tử kháng virus SARS thử nghiệm sẵn có để đặc biệt tập trung vào SARS-CoV-2. Giờ đây, dữ liệu tạm thời đầu tiên từ các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn cho thấy thuốc phát huy hiệu quả cực kỳ triển vọng.

Thử nghiệm tập trung vào những bệnh nhân chưa được chủng ngừa có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng. Nhóm đầu tiên được sử dụng một đợt thuốc kháng virus kéo dài năm ngày, bắt đầu trong vòng ba ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện.

Trong số 389 người tham gia dùng thuốc kháng virus, chỉ có ba trường hợp nhập viện và không có trường hợp nào tử vong. Trong nhóm đối chứng dùng giả dược có sự tham gia của 385 người, đã có 27 ca nhập viện và 7 ca tử vong. Nghĩa là thuốc kháng virus đạt 89% hiệu quả ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong.

Một nội dung thử nghiệm khác được thực hiện đối với phương pháp điều trị trong vòng 5 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và kết quả rất triển vọng. Trong nhóm người tham gia này, chỉ 1% số ca nhập viện (6/607), không có ca tử vong, so với nhóm giả dược có 6,7% số ca nhập viện (41/612) và 10 ca tử vong.

Ủy ban giám sát dữ liệu độc lập đã khuyến nghị ngừng tiếp nhận số người đăng ký tham gia thử nghiệm do “hiệu quả vượt trội” của những kết quả tạm thời này. Bởi lẽ ý nghĩa thống kê cao của dữ liệu ban đầu có nghĩa là những kết quả này sẽ đủ để Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đánh giá để cấp phép sử dụng khẩn cấp trong những tuần tới.

Thuốc kháng virus gây COVID-19 được chứng minh là rất an toàn, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được xác định trong nhóm thử nghiệm gồm hơn 1.800 người. Các xét nghiệm tiền lâm sàng cũng không tìm thấy bằng chứng về việc thuốc tương tác gây đột biến ADN, vấn đề có thể hạn chế việc sử dụng rộng rãi molnupiravir, loại thuốc kháng virus gây COVID-19 dạng uống khác sớm được chấp thuận sử dụng.

Hai thử nghiệm lớn khác đối với thuốc kháng virus của hãng Pfizer ở các nhóm khác nhau đang được triển khai. Một thử nghiệm về hiệu quả của thuốc trong việc ngăn ngừa bệnh nặng ở những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ thấp. Nhóm người đã được tiêm chủng này sẽ được thử nghiệm để xác định hiệu quả ngăn ngừa nhiễm COVID-19.

Một thử nghiệm khác đang xem xét khả năng thuốc kháng virus ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 khi tiếp xúc gần với các ca nhiễm bệnh có triệu chứng. Thử nghiệm này đang thu hút sự tham gia của hàng trăm người sống với các trường hợp SARS-CoV-2 dương tính. Cả hai thử nghiệm sẽ cho kết quả sơ bộ vào cuối năm nay.

Nahid Bhadelia, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Boston, nhấn mạnh sự ra đời của thuốc kháng virus gây COVID-19 dùng qua đường uống không thể thay thế giá trị dự phòng của vắc-xin. Liệu pháp mới này không nên được coi là lựa chọn thay thế cho việc tiêm chủng. Thay vào đó, thuốc kháng virus dạng uống là lớp bảo vệ bổ sung cho những người đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn bị nhiễm hoặc những người mắc bệnh nên vắc xin mà họ đã tiêm, trở nên kém hiệu quả.

N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/health-wellbeing/pfizer-coronavirus-pill-antiviral-paxlovid-early-trial-data/, 7/11/2021