Phẫu thuật nội soi một lỗ.

 Phẫu thuật nội soi một đường rạch là một bước tiến mới của phẫu thuật nội soi nói chung, hướng tới giảm sang chấn và đạt kết quả thẩm mỹ tốt hơn cho người bệnh. Kỹ thuật nội soi mới này có rất nhiều tên gọi khác nhau như phẫu thuật nội soi một cổng (một lỗ), phẫu thuật nội soi ổ bụng một đường rạch (Single Incision Laparoscopic Surgery – SILS, LaparoEndoscopic Single Site Surgery – LESS), trong đó phẫu thuật nội soi một đường rạch (viết tắt tiếng Anh là SIES) (PTNSMĐR) là một trong những tên được dùng nhiều nhất.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu ứng dụng SIES cho đến nay chủ yếu đươc thực hiện trên người lớn. SIES cắt hạch thần kinh giao cảm ngực được Huỳnh Quang Khánh báo cáo đầu tiên năm 2006. Phẫu thuật nội soi một trocar cắt ruột thừa đã được tác giả Đỗ Hữu Liệt báo cáo năm 2008 với 38 trường hợp. Tiếp theo đó, phẫu thuật nội soi một đường rạch cắt túi mật đã được Nguyễn Hoàng Bắc thông báo năm 2009 với 62 bệnh nhân. Phẫu thuật nội soi một trocar cắt túi mật được tác giả Nguyễn Tấn Cường (bệnh viện Chợ Rẫy) báo cáo năm 2010 với 58 trường hợp.

Nghiên cứu ứng dụng SIES trên các bệnh nhi ở tại Việt nam còn mới ở giai đoạn đầu tiên. Trong các bệnh viện nhi, chỉ có bệnh viện Nhi Trung ương đã bắt đầu tiến hành SIES và đã có những báo cáo đầu tiên về phẫu thuật nội soi 1 trocar cắt ruột thừa, điều trị nang buồng trứng, trong lĩnh vực tiết niệu, điều trị nang ống mật chủ, dị tật túi mật với kết quả khả quan.

Ở Viêt Nam mặc dù phẫu thuật nội soi nhi đã rất phát triển nhưng mới chỉ có một vài nghiên cứu về SIES về các bệnh như viêm ruột thừa, nang buồng trứng với số lượng đáng kế BN. Báo cáo SIES điều trị các bệnh khác như nang ống mật chủ, thận loạn sản, dị tật túi mật còn trên số lượng bệnh nhân chưa nhiều. Với các bệnh như đa tiết mồ hôi tay, phình đại tràng bẩm sinh, không hậu môn còn chưa có nghiên cứu nào về SIES. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đề xuất và được chấp thuận thực hiện tiến hành đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” với 2 mục tiêu chính đó là:

  1. Xây dựng chỉ định và quy trình kỹ thuật ứng dụng phẫu thuật nội soi một đường rạch điều trị một số bệnh ở trẻ em:

– Bệnh thận loạn sản nhiều nang, thận lạc chỗ loạn sản

– Bệnh nang ống mật chủ.

– Bệnh đa mồ hôi tay

– Bệnh phình đại tràng bẩm sinh

– Bệnh không hậu môn loại cao ở trẻ em.

  1. Đánh giá kết quả ứng dụng phẫu thuật nội soi một đường rạch trong điều trị các bệnh lý trên.

Qua tiến hành ứng dụng PTNSMĐR với dụng cụ nội soi thông thường để điều trị cho 144 bệnh nhi bị các bệnh thận loạn sản nhiều nang và thận lạc chỗ loạn sản, nang ống mật chủ, đa tiết mồ hôi tay, phình đại tràng bẩm sinh, không hậu môn loại cao, nhóm nghiên cứu rút ra các kết luận sau:

  1. PTNSMĐR là phương pháp có tính khả thi cao và an toàn: không có BN nào chuyển về PTNSTT hay phải mổ mở, không có tai biến và tử vong trong mổ liên quan đến kỹ thuật mổ.
  2. PTNSMĐR điều trị thận loạn sản nhiều nang và thận lạc chỗ loạn sản, nang ống mật chủ, đa tiết mồ hôi tay, phình đại tràng bẩm sinh, không hậu môn loại cao có hiệu quả tốt.
  3. PTNSMĐR với dụng cụ nội soi thông thường cho các bệnh trên không đòi hỏi các dụng cụ chuyên biệt đắt tiền, tiết kiệm chi phí và phù hợp với điều kiện kinh tế Việt nam.
  4. PTNSMĐR cho kết quả thẩm mỹ rất tốt, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.
  5. Các qui trình PTNSMĐR cùng chỉ định được xây dựng và hoàn thiện trong nghiên cứu này có thể được áp dụng ở các cơ sở khác. Một số kỹ thuật mổ như PTNSMĐR điều trị NOMC hay thận loạn sản đã được báo cáo tại các hội nghị quốc tế và/hoặc được xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Kết quả nghiên cứu cho thấy PTNSMĐR với dụng cụ nội soi thông thường là phương pháp khả thi, an toàn và hiệu quả để điều trị thận loạn sản nhiều nang và thận lạc chỗ loạn sản, nang ống mật chủ, đa tiết mồ hôi tay, phình đại tràng bẩm sinh, không hậu môn loại cao ở trẻ em trong điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên để PTNSMĐR có thể phát triển hơn và áp dụng rộng rãi ở Việt nam và đạt được kết quả tốt hơn, đối với các tổ chức các khóa đào tạo PTNSMĐR ở các cơ sở đã có kinh nghiệm vềPTNSTT muốn triển khai kỹ thuật cần có thêm các nghiên cứu ứng dụng PTNSMĐR trên các chỉ định mới, các mặt bệnh khác ở trẻ em.

Đây là kỹ thuật khó hơn cho phẫu thuật viên so với PTNSTT nhưng lại đem lại lợi ích lớn hơn cho người bệnh. Vì vậy cần có cơ chế tài chính thích hợp khuyến khích những người trực tiếp thực hiện kỹ thuật PTNSMĐR nói riêng và các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới nói chung mặc dù vẫn đảm bảo các nguyên tắc chung điều trị phẫu thuật cho các bệnh này.

Điểm độc đáo và sáng tạo của đề tài là nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một đường rạch nhưng không sử dụng các thiết bị dụng cụ nội soi đặc biệt chuyên dụng cổng (port) đăc biệt, dụng cụ nội soi cong hoặc có thêm khớp điều chỉnh độ cong của mũi dụng cụ…) mà chỉ sử dụng các dụng cụ nội soi thẳng thông thường. Điều này không làm tăng chi phí trang thiết bị cho cuộc mổ, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của Việt nam, tuy nhiên sẽ đòi hỏi phẫu thuật viên phải khắc phục những khó khăn về kỹ thuật.

Các qui trình kỹ thuật này đã áp dụng thành công cho thấy tính khả thi, an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh với kết quả thẩm mỹ vượt trội so với phẫu thuật nội soi thông thường. Các kỹ thuật phẫu thuật nội soi này cũng là kỹ thuật đi đầu trong khu vực Đông nam Á (hiện tại trong khu vực chưa có nghiên cứu nào về các kỹ thuật này), và là một trong những mũi nhọn hàng đầu có tính thời sự của thế giới (trên thế giới mới chỉ có rất ít nghiên cứu).

Kỹ thuật này giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đảm bảo cho trẻ em Việt Nam được tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất mà không phải đi ra nước ngoài, giảm nguồn tiền đi ra nước ngoài cho việc chữa bệnh. Tạo thêm niềm tin cho người dân Việt Nam vào sự phát triển và chất lượng chăm sóc y tế của nước nhà. Thành công đề tài nghiên cứu cũng đóng góp vào sự phát triển chung của phẫu thuật nội soi nhi ở Việt Nam và trên quốc tế đồng thời khẳng định phẫu thuật nhi ở Việt Nam có vị trí đi đầu, tương đương với các nước tiên tiến nhất trên thế giới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13231/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)