Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, bệnh gặp ở tất cả mọi lứa tuổi. Tỷ lệ mắc hen có xu hướng tăng lên hàng năm, dự kiến tới năm 2025, toàn thế giới có khoảng 400 triệu người mắc hen đặc biệt tỷ lệ hen phế quản ở trẻ em cũng ngày một tăng cao. Hen phế quản gây những hậu quả ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và toàn xã hội.

Virus được tìm thấy khoảng 80% trong các giai đoạn khò khè của trẻ học đường và từ 50% đến 75% trong các giai đoạn khò khè cấp tính của người lớn. Có nhiều virus đường hô hấp được tìm thấy trong giai đoạn này như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, adenovirus, coronavirus, trong đó Rhinovirus chiếm tới 65%. Cơn hen cấp gây ra bởi virus thường xảy ra vào mùa thu, đông hoặc đầu xuân, khi mà thời tiết thuận lợi cho Rhinovirus phát triển. Rhinovirus ngoài gây cảm lạnh, còn thâm nhập sâu xuống đường thở, đôi khi gây kèm theo viêm phổi. Các nghiên cứu trên thế giới hiện nay chỉ ra rằng Rhinovirus đóng vai trò rất quan trọng trong khởi phát cơn hen cấp, ngay cả ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về vai trò của Rhinovirus trong việc làm bùng phát cơn hen cấp còn chưa nhiều.

Để đánh giá vai trò của Rhinovirus trong khởi phát cơn hen cấp ở trẻ em, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trường Đại học Y Hà nội đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu vai trò của Rhinovirus trong khởi phát cơn hen cấp ở trẻ em và sự đáp ứng miễn dịch trong máu ngoại vi đối với Rhinovirus” nhằm xác định tỷ lệ nhiễm Rhinovirus trong cơn hen cấp ở trẻ em điều trị nội trú tại khoa Miễn dịch-Dị ứng Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như đánh giá đặc điểm lâm sàng và mức độ của cơn hen phế quản khởi phát do Rhinovirus.

Các nội dung nghiên cứu bao gồm: 

– Nghiên cứu sự thay đổi tế bào trong máu ngoại vi qua số lượng tế bào máu, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu ái toan, bạch cầu lympho, tỷ lệ T CD4/ TCD8. Tiến hành phân tích sự thay đổi theo hướng tế bào Th1 thông qua các cytokine IL2; IFNα; IFNβ, IFNγ; theo hướng tế bào Th2 thông qua cytokine IL4, IL5, IL13 và tế bào T điều hòa qua cytokine IL10.

– Nghiên cứu sự biến đổi các cytokine ở trẻ viêm phổi thở máy. Tiến hành nghiên cứu sự biến đổi cytokine trong máu ngoại vi và dịch nội khí quản trên 40 trẻ viêm phổi nặng.

– Đánh giá sự ưu thế giữa hệ thống Th1 và Th2 cũng như vai trò điều hòa của T điều hòa giữa trẻ khỏe mạnh và trẻ hen phế quản, giữa trẻ hen trong cơn hen và ngoài cơn hen cấp, giữa trẻ khỏe mạnh và trẻ viêm phổi.

– Phạm vi nghiên cứu bao gồm cả trẻ trong cơn hen cấp và ngoài cơn hen cấp. Ngoài ra còn lấy thêm nhóm bệnh nhân viêm phổi, là nhóm có cơ chế bệnh sinh hoàn toàn khác hen phế quản để làm nổi bật tình trạng thay đổi tế bào và cytokine ở bệnh nhân hen phế quản.

Sau một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau: 

  1. Nghiên cứu thu thập được bệnh phẩm ở 115 bệnh nhi hen phế quản, 40 trẻ viêm phổi thở máy và 35 trẻ khỏe mạnh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra: Tỷ lệ nhiễm Rhinovirus (RV) trong cơn hen cấp là 54,8%. Tỷ lệ nhiễm RV thay đổi theo từng nhóm tuổi. Nhóm trẻ 25 tuổi có tỷ lệ nhiễm RV trong cơn hen cấp cao nhất, chiếm 61,1%. Nhóm trẻ dưới 2 tuổi có tỷ lệ nhiễm RV thấp nhất, chiếm 36,4%.
  2. Sự thay đổi một số cytokine trong máu ngoại vi ở bệnh nhi hen có nhiễm Rhinovirus: Trẻ hen phế quản có nhiễm Rhinovirus có tăng đáp ứng viêm theo hướng tế bào Th2 ( tăng nồng độ IL4, IL5, IL13). IL10 giảm ở trẻ hen phế quản có nhiễm Rhinovirus so với trẻ hen phế quản không nhiễm Rhinovirus và nhóm đối chứng.
  3. Sự thay đổi cytokine trong máu ngoai vi theo độ nặng cơn hen cấp giữa trẻ nhiễm Rhinovirus và trẻ không nhiễm Rhinovirus: Nhiễm Rhinovirus làm tăng độ nặng của cơn hen cấp. Không có mối liên quan giữa các cytokine có liên quan đến tế bào Th1 và độ nặng của cơn hen cấp. IL4, IL5 không có sự khác biệt giữa các mức độ nặng của cơn hen cấp IL13 cao tiên lượng cơn hen cấp nặng ở trẻ nhiễm Rhinovirus IL10 giảm ở trẻ có cơn hen cấp nặng.
  4. Sự thay đổi cytokine ở trẻ viêm phổi nặng có thở máy Trẻ viêm phổi nặng có tăng nồng độ IL6, IL8, TNFalpha, GMCSF trong máu ngoại vi. Nồng độ IL10 tăng ở trẻ viêm phổi dưới 6 tháng. Nồng độ IL6 cao tiên lượng bệnh nhân tử vong.
    5. So sánh đáp ứng viêm giữa trẻ khỏe mạnh, trẻ viêm phổi và trẻ hen phế quản: Không có sự khác biệt về nồng độ các cytokine có liên quan đến tế bào Th1 và độ nặn của cơn hen cấp. Hen phế quản có xu hướng đáp ứng viêm theo hướng Th2. Viêm phổi có xu hướng đáp ứng viêm theo hướng Th1.

Như vậy, đây là một trong các nghiên cứu đầu tiên ở Việt nam về cơ chế bệnh sinh hen phế quản ở trẻ em. Nghiên cứu đã tiếp cận các nghiên cứu quốc tế về cơ chế bệnh sinh của các bệnh lý hô hấp, và so sánh đáp ứng viêm giữa ba nhóm nghiên cứu: hen phế quản, viêm phổi nặng và trẻ bình thường. Kết quả nghiên cứu giúp tìm hiểu đáp ứng điều trị trong hen phế quản theo từng cá thể cũng như giúp tìm ra yếu tố tiên lượng bệnh nặng. Đề tài cũng đã tiến hành nghiên cứu thêm về biến đổi cytokine trên nhóm trẻ viêm phổi thở máy Kết quả nghiên cứu này giúp chỉ ra sự khác biệt về đáp ứng viêm giữa các nhóm bệnh hô hấp cơ chế bệnh sinh khác nhau là hen phế quản và viêm phổi. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp tục phát triển để giúp nghiên cứu sâu hơn về he phế quản, viêm phổi, cập nhật các nghiên cứu trên thế giới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13434/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)