Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia và Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó. Thế nhưng, nông nghiệp công nghệ cao dường như mới chỉ tiếp cận được với một bộ phận nông dân Việt, còn tại vùng sâu, vùng xa, nông dân nghèo vẫn còn nhiều khó khăn khi đến với nông nghiệp công nghệ cao.
Những người dũng cảm
Có thể nói đóng vai trò chủ thể trong các dự án của ACIAR triển khai tại Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam trong 25 năm qua chính là những người nông dân. Họ có thể là người dân tộc thiểu số, là phụ nữ, người nuôi hàu, người nuôi bò… Nhưng dù là nông dân trong lĩnh vực nào thì họ đều có chung một xuất phát điểm. Họ đều đến từ những vùng còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Những dự án của ACIAR đã mang đến cho họ những hướng đi mới trong công việc mà họ đã làm bao lâu nay.
Nói về những khó khăn, thách thức khi triển khai dự án có hàm lượng khoa học cao, chị Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam cho rằng, muốn nông dân tin và thay đổi phương thức canh tác, đòi hỏi các nhà khoa học phải chứng minh được những tiến bộ về khoa học và công nghệ khi áp dụng trong nông nghiệp. Chị Thanh An tỏ ra khâm phục với những thay đổi trong lối nghĩ, tư duy của nông dân ở những vùng khó khăn khi được khoa học khai sáng. “Những người nông dân tham gia nghiên cứu là những người dũng cảm, tiên phong, dám đi cùng với nhà khoa học”, chị Thanh An nhấn mạnh.
Dự án về rau sạch của ACIAR mang lại lợi nhuận cho nông dân và niềm vui của người tiêu thụ.
Cùng chung suy nghĩ như chị Vàng Thị Hường, chị Lèo Thị Xuấn, dân tộc Thái, tại xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, từ những hồ nghi ban đầu, người nông dân đã hoàn toàn bị thuyết phục khi được các nhà khoa học hướng dẫn canh tác theo phương thức mới. “Từ khi có dự án, được các nhà khoa học hướng dẫn cách trồng sắn làm sao cho sản lượng cao, chống xói mòn, gia đình tôi đã có thêm thu nhập, việc canh tác lại đỡ vất vả hơn trước đây, gia đình tôi đang chuẩn bị mua thêm xe cải tiến để phục vụ công việc, đúng là phải tin tưởng vào nhà khoa học”, chị Lèo Thị Xuấn chia sẻ.
Cùng đồng hành
Không phải ngẫu nhiên mà các dự án của ACIAR triển khai tại các vùng khó khăn lại đạt được kết quả cao. Đó là sự dũng cảm dám thử thách với cái mới của người nông dân và quan trọng không kém nữa đó là sự đồng hành của các nhà khoa học Việt Nam và Australia, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Những người đã không ngại dấn thân, sẵn sàng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm từ dự án do ACIAR tài trợ.
Cùng chung suy nghĩ này, anh Vũ Văn In, Giám đốc Dự án về nâng cao sản lượng hàu ở Việt Nam và Australia, một dự án của ACIAR bắt đầu từ năm 2014 đến nay cho biết: Sự thành công của dự án về con hàu là mô hình cho thấy sự kết hợp hoàn hảo giữa hoạt động của những người làm khoa học và nông dân. Giữa hai chủ thể này có một sự tương tác đặc biệt. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, nhà khoa học là người tiên phong trong khâu chọn giống, chọn đối tượng giúp nông dân, đồng hành cùng nông dân trong cung cấp kỹ thuật nuôi trồng. Người nông dân phát triển kỹ thuật, mở rộng canh tác và đôi khi, họ còn sáng tạo ra những cách làm mới, tốt hơn nhà khoa học. Không dừng ở thành công đó, nhà khoa học vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi đồng hành với nông dân để tìm tòi những chất lượng giống mới, phòng chống dịch bệnh…
Quả thực, không cần phải lắng nghe nhiều chia sẻ, chỉ cần nhìn vào những kết quả mà 170 dự án của ACIAR đã đạt trong suốt thời gian qua cũng đủ minh chứng, nhà khoa học và người nông dân thực sự là một bộ đôi hoàn hảo để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững.
Hy vọng rằng, với việc chính thức hóa chiến lược về nghiên cứu nông nghiệp tại Việt Nam bằng việc ký kết Ý định thư với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, và Biên bản ghi nhớ với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ACIAR sẽ tiếp tục tăng cơ hội cho người nghèo ở nông thôn và thành thị thông qua các hệ thống kinh tế nông nghiệp.