Zean Võ – CEO 9X trong top 30 Under 30 của Forbes châu Á cho rằng đại dịch Covid-19 là một trận chiến lớn mà rất ít cá nhân hay tổ chức có thể chuẩn bị phương án đối phó. Nhưng cũng chính điều này sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều anh hùng ở mọi lĩnh vực.

Thực ra Zean Võ (29 tuổi) không phải là cái tên xa lạ với nhiều bạn trẻ. Cô gái xinh đẹp, năng động này tên thật là Võ Thị Hải Trang – một trong 11 người Việt Nam trở thành lãnh đạo trẻ tương lai của Obama Foundation, khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2019. Đầu tháng 4 năm nay, cô lọt top Forbes Asia 30 Under 30 thuộc hạng mục Truyền thông, Tiếp thị và Quảng cáo.

Chưa hết, cô cũng là một nhiếp ảnh gia từng nhiều lần đạt giải thưởng quốc tế, một hoạ sĩ tranh trừu tượng và một nhà hoạt động tình nguyện. Có lẽ những tố chất vượt trội đó đã khiến Zean giành được nhiều giải thưởng thiết kế khi còn là sinh viên của học viện nghệ thuật Lasalle, trở thành một trong số ít những cựu sinh viên Việt Nam để lại dấu ấn tại một trường đại học bậc nhất của Singapore.

Hiện tại, Zean Võ là một “lady boss” chính hiệu khi đồng sáng lập và điều hành Browzzin – một công ty công nghệ thời trang đặt trụ sở tại London và Singapore. Startup này hoạt động với sứ mệnh tạo ra một nền tảng mua sắm tân tiến, được thúc đẩy bởi những người có sức ảnh hưởng trong nền công nghiệp bán lẻ thời trang ngoại tuyến và trực tuyến.

Ngày hôm nay, hãy tạm gác những danh hiệu, giải thưởng mà cô cùng start-up của mình đã giành được. Bởi trong suốt thời gian vừa qua, Zean cùng Brownzzin phải đương đầu với “cơn bão” Covid-19 giống mọi doanh nghiệp khác trên toàn cầu. Một startup đa quốc gia đã xoay sở như thế nào giữa mùa dịch và bản thân Zean đã có cho mình những bài học gì giữa thời điểm khó khăn này?

Cùng trò chuyện với Zean:

Anh hùng chắc chắn sẽ được sản sinh từ trận chiến cam go với Covid-19

Là nhà sáng lập và giám đốc 1 startup, Zean thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường kinh tế?

Chúng ta không thể phủ nhận những hậu quả nặng nề của Covid-19 đã và đang gây áp lực đến nền kinh tế toàn cầu. Có thể thấy ngay trước mắt một số ví dụ như nhu cầu mua sắm giảm mạnh, giao thương kinh tế gần như trở về con số 0, tâm lý xã hội bất ổn,… Và đương nhiên, các hoạt động ngành nghề cũng sẽ bị chững lại hoặc trở nên chậm hẳn đi. Browzzin cũng bị ảnh hưởng ít nhiều vì các hoạt động với đối tác ở khu vực tâm dịch trở nên khó khăn hơn.

Vậy bạn và Browzzin đã đưa ra những cách nào để giảm đau kinh tế cho mình?

Browzzin đã tiến hành cân nhắc và đánh giá các chi phí không thiết yếu để quyết định cắt giảm cùng với lựa chọn giữ lại nguồn nhân lực quan trọng và tối ưu hoá bộ máy để tạo ra các thành quả về sản phẩm trong giai đoạn này.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương án giảm lương và cắt giảm nhân sự, Browzzin cũng cân nhắc điều này rất nhiều lần để có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Đến hiện tại, một số điều chỉnh nhân sự đã được thực hiện nhưng chúng tôi vẫn đang theo đuổi hướng tối ưu hoá nhân sự nhiều hơn là cắt giảm đột ngột.

Zean và Browzzin đã có kế hoạch phục hồi như thế nào sau dịch? Cụ thể là những biện pháp nào?

Ngay từ đầu, Browzzin đã chuẩn bị sẵn sàng chiến lược để phát triển sau khi “cơn bão” Covid-19 tạm qua đi. Đội ngũ Browzzin lựa chọn dành thời điểm này để tập trung phát triển những chiến lược và sản phẩm công nghệ mới. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ ngành thời trang thích nghi với những thay đổi dài hạn thời hậu Covid-19. Chúng tôi lên kế hoạch theo dõi các tin tức về thị trường, nghiên cứu các thói quen tiêu dùng mới nào sẽ được hình thành, để từ đó điều chỉnh hướng đi trong việc phát triển sản phẩm và mô hình kinh doanh.

Theo bạn, một startup đa quốc gia như Browzzin sẽ có thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình phục hồi sau dịch?

Bản chất của Browzzin là một tập thể nhân sự làm việc từ xa tại nhiều quốc gia trên thế giới nên việc quản lý đã khá phức tạp. Đặc biệt khi khủng hoảng đột ngột xảy đến, việc phản ứng và thực thi các chiến lược trở nên áp lực hơn và chúng tôi đã thực sự gặp khó khăn.

Nhưng chính khó khăn khiến Browzzin phải linh động ứng biến. Việc ở các vị trí địa lý khác nhau giúp chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở nhiều nơi hơn, luân chuyển chiến lược sản phẩm đến các vị trí phù hợp hơn và kết quả là chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn.

Bạn có nghĩ rằng đại dịch Covid-19 lần này chính là một bài học “thử lửa” cho tất cả chúng ta không?

Chắc chắn là như vậy. Tôi thấy đây là một trận chiến lớn mà rất ít cá nhân hay tổ chức có thể lường trước được để chuẩn bị phương án đối phó. Nhưng nhìn một cách tích cực, anh hùng chắc chắn sẽ được sản sinh từ trận chiến cam go này.

zean-2020-04-3-1588169991462890111268-crop-1588172428781789161139.jpg

Công nghệ và sáng tạo có vị trí rất tiềm năng trong giai đoạn dịch bệnh

Từng là một người làm trong ngành nghệ thuật và sáng tạo, Zean đánh giá như thế nào về ngành nghề này nói chung trong giai đoạn dịch bệnh?

Không khó để nhận thấy dịch bệnh làm trì hoãn sự phát triển của hầu hết tất cả các ngành nghề. Nhưng theo tôi, nghệ thuật – sáng tạo lại là một ngành nghề thiết yếu đang được đẩy mạnh hơn trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi tôi tin càng ở những lúc khủng hoảng, khi tâm lý số đông bị ảnh hưởng, chính nghệ thuật và sự sáng tạo lại càng liều thuốc giảm đau lý tưởng cho tất cả mọi người ở một quy mô rộng rãi, không biên giới và thật sự sâu sắc. Lấy ví dụ đơn giản, có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật được ra đời trong thời điểm này và tạo ra các sức ảnh hưởng lớn trong nước lẫn quốc tế như Ghen Cô Vy, Việt Nam ơi!, Đánh bay Covid,…

Hoạt động trong cả ngành nghệ thuật – sáng tạo và công nghệ, chắc là Zean hiểu khá rõ về cả hai. Bạn có thể chia sẻ về thế mạnh và điểm yếu của 2 ngành này trong giai đoạn dịch bệnh không?

Tôi không tách rời 2 ngành nghề này mà cho rằng công nghệ luôn đi cùng với sáng tạo, cả hai ngành đều đang có vị trí rất tiềm năng trong giai đoạn dịch bệnh. Cụ thể công nghệ mang đến những giải pháp, ứng dụng để giúp con người chiến đấu với Covid-19 và thích nghi với sự thay đổi thói quen sống. Trong khi đó nghệ thuật – sáng tạo giúp sản sinh ra những chất liệu, sản phẩm làm xoa dịu tinh thần và kết nối cộng đồng chặt chẽ hơn.

Nhiều người lao động sẽ phải tìm việc mới, đi xin việc sau dịch. Với tư cách là một doanh nhân, nhà tuyển dụng Zean có lời khuyên nào cho họ không?

Tôi nghĩ đầu tiên là tự tin thể hiện rằng bạn có nhiều tài năng, kinh nghiệm. Tiếp theo và quan trọng hơn là thái độ không ngại khó để học hỏi, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Ở thời điểm khó khăn nay, khả năng thích nghi và thái độ tích cực đóng góp cho tập thể sẽ được đánh giá cao.

Chỉ cần được sống, tôi sẽ làm mọi cách để trở nên phi thường

Bản thân bạn đã duy trì tinh thần và năng lượng tích cực bằng cách nào trong giai đoạn dịch bệnh này?

Tôi kết nối với mọi người nhiều hơn hẳn cho dù phải cách ly. À. Tất nhiên là qua mạng rồi. Đây là lúc mọi người cần dựa vào nhau nhiều hơn và chia sẻ tinh thần nhiều hơn – “Give and Take”.

Việc phải hạn chế đi lại, giãn cách cộng đồng cũng cho phép tôi có không gian riêng cho bản thân mình: đọc sách, nấu ăn, vẽ tranh,… Tất cả những hoạt động này giúp tôi tái tạo tinh thần và năng lượng tích cực một cách hiệu quả.

Sau thời gian dịch bệnh, Zean nghĩ mình sẽ thu được điều gì? Bài học, kinh nghiệm hay một tinh thần mới mẻ nào đó chăng?

Đó là một phiên bản cừ hơn Zean của ngày xưa rất nhiều. Tôi thấy bản thân đã trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn vì được tôi luyện để ứng phó với nhiều tình huống không lường trước và cấp bách trong những ngày vừa qua. Tôi cũng làm việc tập trung, nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn trước đây. Đặc biệt là có được tinh thần và niềm tin mạnh mẽ hơn vào mục đích mà mình vẫn theo đuổi, nhất là khi mà cả nhân loại đang phải trải qua một thử thách mang tính sống còn như thế này.

Zean từng chia sẻ rằng: “Đến thời điểm này, tôi nghĩ là chỉ cần tôi được sống, tôi sẽ làm mọi cách để trở nên Phi Thường. Đó là lựa chọn cuối cùng của tôi”. Cụ thể sự phi thường mà bạn muốn hướng đến là gì? Liệu đó có phải là một Superwoman cứu thế giới?

Sự phi thường này không phải là một hệ quy chiếu cho tất cả mọi người. Sự phi thường của tôi có thể hiểu theo cách giản đơn là cố gắng để làm thật nhiều điều tốt đẹp hơn so với chính tôi của ngày hôm qua. Ví dụ, việc chạy 50km với một chuyên gia chạy bộ là dễ dàng hơn nhưng là một điều rất phi thường với bản thân tôi nếu đạt được (và tôi đã làm được). Bởi vậy tôi luôn đặt mục tiêu cho bản thân thử sức làm điều phi thường như thế.

Chắc chắn rằng chỉ riêng bản thân tôi không thể cứu thế giới nhưng tôi muốn là một phần trong tập thể những người đang cố gắng làm sứ mệnh đó. Vì thế tôi đang thử thách bản thân để tốt hơn mỗi ngày, trở thành một phiên bản super nhất mình có thể trở thành và liên tục tạo ra giá trị nào đó cho cuộc đời, ở bất cứ quy mô nào.

Muốn trở thành phi thường tức là Zean không hài lòng với cuộc sống của 1 người bình thường? Trong khi đó nhiều người vẫn dành cả đời chỉ để đi tìm sự bình thường.

Cho dù phi thường hay bình thường thì hạnh phúc là mục đích sau cùng mà ai cũng muốn hướng đến. Có người tìm thấy hạnh phúc trong sự an nhiên, có người tìm thấy hạnh phúc trong quá trình đấu tranh. Còn bản thân tôi, đến thời điểm này, tôi cảm nhận rằng mình đủ trưởng thành để luôn trân quý mọi thứ mình đang có, dù trong hoàn cảnh như thế nào đi chăng nữa.

Cuối cùng, có quan điểm nào mà Zean nghĩ 10 năm sau sẽ không còn đồng tình với chính bản thân hiện tại?

Đó là “Mình sẽ chỉ làm được những thứ trong mảng này”. Và tôi hi vọng Zean của tương lai sẽ mỉm cười khi có thể chứng minh được rằng, quan điểm này không đúng nữa.

Cảm ơn Zean vì chia sẻ!

C.