Khả năng đề kháng với các loại thuốc sốt rét làm tăng nguy cơ mắc chứng thiếu máu ở phụ nữ mang thai nhiễm ký sinh trùng sốt rét, dẫn đến thai nhi có cân nặng khi sinh thấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Karolinska, Thụy Điển đã cho thấy ảnh hưởng của bệnh sốt rét đối với phụ nữ mang thai, đồng thời, khẳng định vai trò chính của protein PTEF – một loại protein được tìm thấy trong ký sinh trùng sốt rét đối với căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm này. Phát hiện quan trọng được công bố trên Tạp chí Khoa học Tự nhiên đã mở đường, đem lại hy vọng cho nỗ lực tìm kiếm các loại thuốc mới trong điều trị sốt rét.

Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 50 triệu phụ nữ mang thai mắc bệnh sốt rét. Bệnh gây ra bởi “Plasmodium falciparum” vốn là loài ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất cũng như nguy hiểm nhất. Bên cạnh việc gây nguy hiểm cho những bà bầu, ký sinh trùng sốt rét còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển thai nhi chưa sinh. Cụ thể, ký sinh trùng làm chậm sự phát triển của bào thai bằng cách hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng, khiến đứa trẻ sinh ra bị nhẹ cân và suy dinh dưỡng. Đặc biệt, phụ nữ bị nhiễm bệnh sốt rét trong thời kỳ mang thai rất dễ bị biến chứng sang thiếu máu do ký sinh trùng xâm nhập và tấn công vào nhau thai.

Khi ký sinh trùng xâm nhập và đưa “protein keo” vào màng tế bào máu bị nhiễm khuẩn, hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn ký sinh trùng sẽ tích tụ lại trong thành mạch, gây tình trạng viêm nhiễm. Do cơ thể của bà mẹ mang thai lần đầu không tạo miễn dịch đối với “protein keo” nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn mạn tính càng cao và đặc biệt nghiêm trọng, trừ trường hợp được điều trị dự phòng. Trên thực tế, thực trạng kháng các loại thuốc sốt rét hiện đại ngày một lan rộng nên các phương pháp điều trị không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả.

Yếu tố thay thế cho thuốc kháng sinh

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra protein PTEF trong cơ thể ký sinh trùng sốt rét. Loại protein này đóng vai trò quan trọng trong sự tổng hợp các phân tử keo mà nhờ nó các ký sinh trùng gắn kết lại với nhau. Các chuyên gia cho biết: protein PTEF liên kết trực tiếp với ribosome – bộ máy sản xuất và tổng hợp protein trong tế bào, làm gia tăng tốc độ sản xuất các phân tử keo mới.

Giáo sư Mats Wahlgren phụ trách Bộ môn Sinh vật Vi sinh Khối u và Tế bào, Học viện Karolinska – thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn hiện tượng này. Một ngày nào đó, chúng ta có thể phát triển các loại thuốc có tác dụng phá vỡ mối gắn kết của các ký sinh trùng xâm nhập nhau thai. Chúng tôi tin rằng trong tương lai, chúng tôi có thể sử dụng các phân tử nhỏ thay thế các loại thuốc kháng sinh đang được sử dụng nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sốt rét ở phụ nữ mang thai và thai nhi“.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã cộng tác với Giáo sư Suparna Sanyal, trường Đại học Uppsala được biết đến với công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của protein PTEF đến ribosome trong cơ thể vi khuẩn E. coli cũng như phát hiện ra khả năng kích thích quá trình tổng hợp protein trong cơ thể vi khuẩn của loại protein này.

P.K.L (NASATI), Theo https://phys.org/news/2017-05-newly-malaria-mechanism-pregnant-women.html, 9/5/2017