Trong một năm, các nhà khoa học đã hai lần tìm ra các công thức, biện pháp phòng chống những chủng vi-rút mới nhất, trong đó có vi-rút cúm (tên khoa học là Influenza) – vốn là loại vi-rút có khả năng thay đổi kháng nguyên vỏ ngoài rất đáng kinh ngạc.

Mới đây, trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm một loại vắc-xin phổ biến phòng tránh bệnh cúm, các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Melbourne, Úc đã phát hiện ra một loại tế bào bạch huyết được tìm thấy trong mô mũi có khả năng tấn công và tiêu diệt vi-rút cúm. Phát hiện mới mang đến hy vọng về khả năng phát triển một loại vắc-xin chỉ cần “tiêm 1 lần duy nhất” có tác dụng ngăn chặn hầu như tất cả các loại vi-rút.

Hầu như trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học tập trung tìm kiếm và phát triển loại vắc-xin cúm phổ biến nhắm đến một dạng tế bào bạch huyết đặc biệt, đó là tế bào lympho T nhớ có khả năng gây độc mang các phân tử bề mặt có tên gọi CD8 hay tế bào Trms. Các tế bào Trms này tỏ ra hoạt động hiệu quả trong việc tấn công và tiêu diệt nhiều loại vi-rút cúm, điều này cũng có nghĩa là nếu chúng ta phát triển thành công loại vắc-xin có khả năng “cảm hóa”các tế bào này thì chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một phương pháp điều trị sử dụng loại vắc-xin chỉ cần “tiêm 1 lần duy nhất” với hiệu quả hoạt động được duy trì trong nhiều năm liên tục.

Tiến sĩ Linda Wakim đến từ trường Đại học Melbourne, Úc khẳng định: “Loại vắc-xin phòng bệnh cúm mà chúng tôi đang phát triển hoạt động theo cơ chế huấn luyện cho cơ thể khả năng nhận dạng các thành phần trên bề mặt của phân tử vi-rút cúm. Thay vì chỉ đơn thuần phân biệt và nhận diện được các phần tử trên lớp vỏ bọc bên ngoài của vi-rút vốn có khả năng biến đổi liên tục, các tế bào này được huấn luyện để có thể nhận biết được cả những thành phần bên trong phần tử vi-rút“.

Thách thức lớn nhất mà các nhà khoa học hiện đang phải đối mặt trong quá trình nghiên cứu cơ chế hoạt động của các tế bào Trms là chính yếu tố tuổi thọ ngắn đáng kinh ngạc của chúng. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung tìm hiểu chức năng hoạt động của các tế bào Trms có mặt trong mô phổi, kết quả cho thấy chức năng hoạt động của chúng có xu hướng suy yếu nhanh chóng và các tế bào này hầu như bị tiêu diệt hết trong vòng 100 ngày sau điều trị.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia đã tìm ra một số lượng tế bào Trms – vốn trước đây chưa từng được phát hiện – khu trú trong mô mũi. Điểm đáng chú ý nhất là các tế bào này có khả năng sống sót trong một khoảng thời gian rất dài. Ngay khi phát hiện ra những tế bào Trms bền vững này, các chuyên gia đã chuyển hướng nghiên cứu từ mục tiêu mô phổi sang mô mũi. Họ hy vọng trong tương lai sẽ phát triển một loại vắc-xin mới có khả năng ngăn chặn vi-rút tại thời điểm ngay khi chúng bắt đầu thay vì sau khi đã xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường hô hấp trên (đường mũi) và di chuyển xuống phổi.

Tiến sĩ Wakim cho biết: “Chúng tôi đã từng rất đắn đo khi nghĩ đến khả năng tìm ra giải pháp giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi-rút vào mô mũi trước khi chúng di căn đến mô phổi? Vì vậy, chúng tôi quyết định tập trung nghiên cứu hệ thống phản ứng miễn dịch trong mô mũi – đây là vị trí trong cơ thể con người dễ bị vi-rút xâm nhiễm và định cư đầu tiên và chúng tôi gọi đó là một hình thức “tuần tra” đường hô hấp“.

Liệu pháp ngăn ngừa vi-rút influenza lây lan đến các vị trí bị nhiễm trùng bằng cách sử dụng các tế bào Trms bền vững được xem là cơ sở để từ đó các nhà khoa học có thể phát triển một loại vắc-xin cúm mới. Do đó, các chuyên gia cho biết hiện họ đang tập trung nghiên cứu phương pháp ngăn chặn vi-rút mới bằng cách đưa các tế bào Trms vào trong mô mũi.

Báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Immunology.

P.K.L (NASATI), Theo http://newatlas.com/nasal-flu-cells-could-lead-to-new-vaccine/49873/, 4/6/2017