Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Copenhagen đã phát hiện ra phương pháp chẩn đoán nhiều loại bệnh ung thư ở giai đoạn đầu bằng cách sử dụng một loại protein đặc trưng cho bệnh sốt rét có thể bám vào các tế bào ung thư trong máu. Các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này có thể được sử dụng để xét nghiệm ung thư trong tương lai gần.
Mỗi năm, ung thư cướp đi sinh mạng của khoảng 9 triệu người trên toàn thế giới và chẩn đoán sớm là rất quan trọng để điều trị hiệu quả và mang lại sựu sống cho người bệnh. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Khoa Khoa học sức khỏe và y tế thuộc trường Đại học Copenhagen đã đưa ra một phương pháp mới chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm nhờ sử dụng một loại protein sốt rét có tên là VAR2CSA để dính các tế bào ung thư. Tất cả những gì các nhà khoa học cần để xác định một người có bị ung thư hay không là một mẫu máu.
Hiện nay, có nhiều cách để phát hiện tế bào ung thư trong máu. Hầu hết các phương pháp này đều dựa vào một dấu hiệu đặc biệt, được tìm thấy trên bề mặt của các tế bào khối u. Tuy nhiên, không phải tất cả các tế bào khối u đều hiển thị dấu hiệu đó, nên các phương pháp này không thể phát hiện các tế bào ung thư lan sang các cơ quan khác như gan, phổi và xương, trái ngược với phương pháp dựa vào protein sốt rét.
Một vài năm trước, GS. Ali Salanti và các nhà nghiên cứu khác đã khám phá ra một phương pháp mới để điều trị ung thư bằng protein VAR2CSA được sản sinh bởi ký sinh trùng sốt rét. Phát hiện này đã tạo nền tảng cho phương pháp chẩn đoán mới của nhóm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng protein sốt rét bám vào một phân tử đường cụ thể, được tìm thấy trong hơn 95% tổng số các loại tế bào ung thư. Nói cách khác, phương pháp chẩn đoán mới này có thể được áp dụng để phát hiện tất cả các loại ung thư trên thực tế.
Các tế bào khối u tuần hoàn
Một khối u bao gồm một số loại tế bào ung thư khác nhau, trong đó một số lây lan nhờ di chuyển qua mô và vào trong máu. Các tế bào ung thư trong máu được gọi là các tế bào khối u tuần hoàn và chúng có thể phát triển thành di căn, gây ra tới 90% các ca tử vong do ung thư. Nếu ung thư có nguồn gốc từ phổi lan đến não, được gọi là di căn não.
Phương pháp mới phát hiện các tế bào khối u tuần hoàn trong một mẫu máu bằng cách sử dụng protein sốt rét. Trong quá trình phát triển phương pháp mới này, các nhà nghiên cứu đã lấy 10 tế bào ung thư và bổ sung 5 mililít máu và sau đó, thu hồi 9 trong số 10 tế bào ung thư từ mẫu máu.
Mette Ørskov Agerbæk, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Chúng tôi đếm số lượng tế bào ung thư và dựa vào đó, chúng tôi có thể tiên lượng. Ví dụ, bạn có thể quyết định thay đổi hướng điều trị nhất định nếu số lượng tế bào khối u tuần hoàn không thay đổi trong quá trình điều trị của bệnh nhân. Phương pháp này cũng cho phép chúng ta lấy ra các tế bào ung thư sống, sau đó phát triển và sử dụng để thử nghiệm các phương pháp điều trị để xác định phương thức điều trị nào mà bệnh nhân đáp ứng được”.
Chương trình sàng lọc trong tương lai
Các nhà khoa học đang theo dõi các kết quả trong một nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn, trong đó nhiều bệnh nhân ung thư tuyến tụy đã được thử nghiệm bằng phương pháp này. GS. Christopher Heeschen, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy số lượng lớn các tế bào khối u tuần hoàn ở mọi bệnh nhân ung thư tuyến tụy, nhưng trong nhóm đối chứng lại không có”.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ áp dụng phương pháp này để sàng lọc những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư trong tương lai. Tuy nhiên, phương pháp mới có thể được sử dụng như chỉ dấu sinh học cho thấy một bệnh nhân có phần lớn triệu chứng có nguy cơ bị ung thư hay không. Điều này sẽ cho phép các bác sĩ xác định giai đoạn của bệnh.
- Ali Salanti cho rằng: “Hiện nay, khó xác định giai đoạn ung thư. Phương pháp của chúng tôi giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn một, hai, ba và bốn. Dựa vào số lượng tế bào khối u tuần hoàn được phát hiện trong máu của một người nào đó, chúng tôi sẽ xác định xem đây có phải là ung thư xâm lấn hay không để điều chỉnh việc điều trị cho phù hợp“.
N.P.D (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2018-08-scientists-method-cancer-malaria-protein.html,