Các nhà khoa học tại Trung tâm y tế thuộc Đại học Texas, Hoa Kỳ đã đưa ra một phương pháp mới để chống lại vi khuẩn đa kháng thuốc bằng cách che mắt vi khuẩn chứ không tiêu diệt chúng. Phương pháp này được chứng minh có hiệu quả cao đối với mô hình vết bỏng.
- Steven Wolf, giáo sư phẫu thuật và là đồng tác nghiên cứu cho biết: “Ở Hoa Kỳ mỗi năm có hơn 1 triệu người bị bỏng và 100.000 người phải nhập viện. Có tới 75% các bệnh nhân bỏng tử vong là do nhiễm trùng vết thương, đặc biệt phổ biến ở các bệnh nhân bỏng trên 40% diện tích cơ thể”.
Thay vì tiêu diệt vi khuẩn, nhóm nghiên cứu đã che mắt vi khuẩn để chúng không tìm thấy vị trí chúng thường bám vào các tế bào trong cơ thể. Nếu vi khuẩn không bám vào tế bào, chúng không thể phát triển.
Nghiên cứu đã được thực hiện trên chuột nhằm vào một trong những mầm bệnh gây tử vong cao nhất, đó là Pseudomonas aeruginosa đa kháng thuốc xuất hiện trong khoảng 33% các trường hợp bỏng và trong 59% ca bỏng diện rộng. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, việc sử dụng tại chỗ phân tử ức chế liên kết được gọi là Phân tử liên kết đa trị hay MAM7, đã giảm mạnh nồng độ vi khuẩn tại vết thương trong vòng 24 giờ đầu sau khi cung cấp phân tử này và đã ngăn chặn sự lan truyền nhiễm trùng sang mô bên cạnh trong hơn 3 ngày. Ngoài ra, phân tử thí nghiệm đã hỗ trợ làm lành vết thương và chống phản ứng viêm thông thường của vết bỏng.
- Kim Orth, giáo sư sinh học phân tử và hóa sinh và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Vi khuẩn kháng kháng sinh là vấn đề xuất hiện ngày càng phổ biến tại phòng khám và bệnh viện, do vậy cần có những phương thức mới để ngăn ngừa và điều trị trực tiếp hiện tượng nhiễm trùng. Kháng sinh hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn, gây áp lực lớn không để vi khuẩn phát triển khả năng kháng kháng sinh“.
“Phương pháp của chúng tôi không nhằm vào sự tồn tại của vi khuẩn, mà vào khả năng vi khuẩn phá hủy tế bào vật chủ – độc tính của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ không thể chống lại phương pháp này. Không có khả năng liên kết với mô tổn thương là bất lợi kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn“, TS. Orth nói.
Phương pháp sử dụng phân tử MAM7 ngoài ngăn chặn nhiễm trùng do vết bỏng, còn chống loét do bệnh tiểu đường và các vết thương phẫu thuật dễ bị nhiễm trùng gây ra.
N.P.D. (NASATI), Theo http://medicalxpress.com/news/2016-12-injury-infectionwithout-antibiotics.html, 20/12/2016