Trong báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố trên tập san khoa học Scientific Reports của tạp chí Nature, các nhà thần kinh học thuộc trường Đại học Rutgers, Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng: vấn đề kiểm soát chuyển động của cơ thể chính là vấn đề cốt lõi trong điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ và rằng việc sử dụng các loại thuốc hướng thần chỉ làm cho các vấn đề vận động thần kinh trở nên tồi tệ hơn.
Phát hiện này hoàn toàn trái ngược với những hiểu biết thông thường trước đó về bệnh tự kỷ vốn được định nghĩa là chứng rối loạn phát triển của hệ thần kinh, trong đó, các vấn đề về thần kinh vận động không phải là cốt lõi sinh học.
PGS. Elizabeth Torres, chuyên ngành tâm lý học tại Trường Nghệ thuật và Khoa học, đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Lần đầu tiên, chúng tôi có thể chứng minh một cách rõ ràng rằng các vấn đề về thần kinh vận động là những vấn đề cốt lõi nằm trong các tiêu chẩn chẩn đoán bệnh tự kỷ“.
Theo bà Torres, mặc dù là loại thuốc dành cho người lớn nhưng đôi khi bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi vẫn cân nhắc sử dụng thuốc hướng thần trong điều trị chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em. “Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh mức độ cần thiết của việc thực hiện các thử nghiệm lâm sàng nhằm xác định ảnh hưởng của các loại thuốc này đối với sự phát triển tâm thần – vận động ở trẻ em. Các chuyên gia y tế nên cân nhắc kỹ kưỡng trước khi kê đơn thuốc này cho trẻ em mắc chứng tự kỷ“.
Torres đã sử dụng một thuật toán mới được phát triển bởi các nhà khoa học tại Rutgers
- một phần của dự án Nền tảng thống kê về Phân tích Hành vi Cá nhân (SPIBA), nhằm
mục tích phân tích dữ liệu từ hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) được quét từ 1.048 người tham gia ở độ tuổi từ 6 đến 50, trong đó có cả những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), cũng như kiểm tra các hình thức vận động thần kinh của họ sau khi sử dụng thuốc hướng thần. Ngoài ra, những dữ liệu fMRI chụp trạng thái nghỉ ngơi khi các đối tượng tham gia thử nghiệm được yêu cầu giữ nguyên tư thế nằm trong thiết bị từ tính và không được chuyển động.
Các chuyên gia thần kinh học thường sử dụng kỹ thuật quét fMRI để ghi lại những hình ảnh bên trong não bộ. Bệnh nhân được yêu cầu đặt đầu vào bên trong một máy MRI, sau đó, máy sẽ ghi lại một số hình ảnh bên trong, hoặc “quét” hình ảnh não bộ. Thông thường, bệnh nhân nói với chuyên gia y tế biết là họ đang nằm yên, tuy nhiên, có một điều chắc chắn là họ không tránh khỏi cử động. “Chúng tôi không thể kiểm soát được vấn đề này. Hầu hết mọi người đều cử động toàn thân trong quá trình chụp cộng hưởng từ chức năng“, Torres cho biết.
Máy quét cộng hưởng từ (MRI) có chức năng ghi lại chuyển động, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường sửa hoặc “chà” tia quét để xóa các dữ liệu khỏi những chuyển động không tự nguyện. Torres tin rằng đây là lý do thông tin về não bộ bị mất, vì vậy, cô và Denisova đã phải tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Kết quả thử nghiệm cho thấy: đa số bệnh nhân cử động trong quá trình quét fMRI, tuy nhiên, những bệnh nhân tự kỷ có xu hướng cử động cơ thể nhiều hơn. Cụ thể hơn, trong số này, những người đang dùng các loại thuốc hướng thần thậm chí cử động nhiều hơn so với những người không dùng thuốc. “Đây không chỉ đơn giản là việc so sánh xem đối tượng nào cử động nhiều hơn, mà điều quan trọng nằm ở nguyên nhân của những cử động này. Đối với những bệnh nhân mắc chứng tự kỷ sử dụng hơn một loại thuốc hướng thần như thuốc chống co giật và thuốc chống trầm cảm, số lần cử động của họ có chiều hướng gia tăng và mức độ tổn thương cũng nghiêm trọng hơn“, Torres khẳng định.
P.K.L. (NASATI), Theo http://medicalxpress.com/news/2016-12-neuromotor-problems-core-autism.html, 12/12/2016