Giữa thành phố hiện đại, tấp nập nhà xe, chúng ta vẫn có thể bồi hồi, thương nhớ về một Sài Gòn xưa cũ qua những mô hình nhỏ xinh nhưng chân thật đến từng chi tiết.

Từ ký ức của mình, anh Nguyễn Phúc Đức (sinh năm 1989, ngụ quận 4) đã phác họa thành bản vẽ và thiết kế thành nhiều mô hình tí hon vô cùng dễ thương, độc đáo bằng tay về Sài Gòn thập niên 70, 80. Những mô hình bé xinh này không chỉ giúp mọi người lưu giữ lại ký ức mà còn giúp chủ nhân của nó mở rộng kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp rất có tiềm năng.

Sài Gòn xưa qua những tác phẩm tí hon

Với nhiều người, Sài Gòn xưa chỉ còn trong ký ức hoặc có thể nhìn thấy qua phim, ảnh, sách, báo… Nhưng có ai ngờ, giữa một thành phố hiện đại với những tòa nhà cao tầng, cao ốc sáng choang, dòng xe cộ tấp nập, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy một Sài Gòn của thập niên 70, 80.

Ở đó có xe hủ tiếu gõ, xe khô mực với hai hàng “mồi nhậu” treo đầy ắp bên bếp than hồng, xe bánh tiêu với những chiếc bánh căng phồng phủ dầu óng ánh. Còn có cả một dãy phố với đầy đủ cửa hàng tạp hóa, quầy bán gạo, tiệm hớt tóc, sạp báo, bức tường vàng “khoan cắt bêtông”, tiệm cắt tóc vỉa hè, tiệm băng đĩa, cassette, nhà hát dán đầy hình ảnh của nghệ sĩ nổi tiếng thời đó…

Mỗi mô hình là một địa điểm, một câu chuyện về Sài Gòn, gắn liền với tuổi thơ của tác giả và những người thuộc thế hệ 7X, 8X.

Những mô hình này được làm chủ yếu từ những vật liệu đơn giản như nhựa, gỗ, ván ép, giấy được thiết kế với kích thước nhỏ tối thiểu, nhưng tỉ mỉ, đầy đủ, chân thật đến từng chi tiết khiến người xem bồi hồi, thương nhớ về Sài Gòn của những thập niên trước.

Anh Nguyễn Phúc Đức

Anh Nguyễn Phúc Đức

Đang tỉ mỉ lắp ráp mô hình mới, anh Phúc Đức kể trước đây anh từng làm rất nhiều nghề nhưng vẫn không tìm thấy được niềm đam mê và hứng thú trong công việc. Anh bất chợt hoang mang về cuộc đời mình với hàng loạt câu hỏi. Cuối cùng anh đã tìm thấy lối thoát khỏi những ngày chênh vênh tuổi trẻ ấy nhờ ký ức về món quà mà ba tặng anh vào sinh nhật năm 6 tuổi. Đó là một mô hình nhà 3 tầng tí hon bằng gỗ.

“Vốn đã mê mẩn ngôi nhà đồ gỗ trong phim hoạt hình Cậu bé người gỗ Pinocchio từ bé, tôi vẫn luôn mơ sẽ thực hiện chúng bằng chính đôi tay của mình. Khi được ba nhắc lại món quà lúc xưa, tôi chợt nghĩ sao mình không thử làm nhà mô hình tí hon. Sản phẩm đầu tay của tôi ra đời từ đó”, anh nhớ lại.

Ban đầu, những mô hình mà anh Phúc Đức thực hiện khá thô sơ, đơn giản, nhưng mất rất nhiều thời gian. Sau nhiều ngày mày mò, lắp ráp, mô hình đầu tiên mang tên “Tiệm tạp hóa tuổi thơ” của anh ra đời. Thoạt nhìn không khác gì cửa hàng tạp hóa tuổi thơ – nơi bọn trẻ thường ghé mua bánh, trái ăn quà vặt. Sau đó, anh Phúc Đức tiếp tục cho ra mắt hàng chục mô hình “Sài Gòn tí hon” khác, tạo nên một khu phố Sài Gòn đầy hoài niệm.

Tháng 7/2019, những mô hình về Sài Gòn xưa của anh Phúc Đức gây tiếng vang với triển lãm “Nhật ký Sài Gòn 102 – Sài Gòn trên những ngón tay”.

Các mô hình của anh được chia thành nhiều chủ đề độc đáo, chẳng hạn như chủ đề “Gánh hàng rong” là phiên bản tí hon của 18 xe hàng rong quen thuộc trong ký ức trẻ con ở Sài Gòn: xe cá viên chiên, kem bảy màu; chủ đề “Văn hóa giải trí của người Sài Gòn hồi xưa” là những mô hình rạp hát, sân khấu hát bội…; hay chủ đề “Tuổi thơ học trò” là cả một không gian trường lớp với hàng đồ chơi, quà vặt, xe sirô đá nhiều màu, quầy bánh mì…

Làm chơi, khởi nghiệp thật

mo-hinh-mini-4-read-only-15876274231371950521619.jpg

Có bao nhiêu ‘vốn liếng’ về Sài Gòn trong ký ức, chàng thanh niên 8X đời cuối này đã dồn hết vào những mô hình xinh xẻo này. Sau 5 năm ròng rã, anh đã mở công ty riêng có tên “Thế giới tí hon” với hơn 10 nhân viên. Lượng khách hàng của anh đều đặn từ trẻ em đến người lớn.

Khách mua hàng đa phần là người đam mê với lắp ráp và văn hóa Sài Gòn xưa. Sản phẩm dùng để tặng bạn bè hoặc trưng bày tại các hàng quán.

Anh Phúc Đức chia sẻ: “Những mô hình ở đây không phải là những mô hình có sẵn mà người mua phải tự lắp ghép. Độ phức tạp của từng mô hình gắn với trình độ lắp ghép của người chơi. Mô hình càng có nhiều chi tiết thì đòi hỏi người chơi cần sự kiên nhẫn và khéo tay”.

Anh Phúc Đức hiện đã có hơn 30 mẫu sản phẩm về đề tài Sài Gòn xưa và vùng quê như những căn nhà ba gian, khói lam chiều hay hình ảnh của những cánh đồng, con trâu…

“Tôi có ý định xuất khẩu những mô hình này để giới thiệu nếp sống, văn hóa của Việt Nam đến với thế giới, và hiện tôi đang tìm đối tác để thực hiện kế hoạch này. Nếu thành công, tôi sẽ phát triển, nâng cấp mô hình đến cấp độ hoàn thiện nhất, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung” – anh Phúc chia sẻ.

Linh Linh