Phốt pho rất quan trọng cho sự phát triển của thực vật, nhờ nó, thực vật có thể thu nhận, chuyển giao và lưu trữ năng lượng giúp cây phát triển mạnh. Không có loại phân bón này, thực vật bị còi cọc, đổi màu và cho năng suất thấp. Vì lý do này, nông dân và người làm vườn thường sử dụng phân lân (phân bón P) để tăng lượng phốt pho trong đất. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy phân bón P quá mức thực sự có thể làm tổn thương cây trồng bằng cách thay đổi thành phần và chức năng của các vi khuẩn trong đất.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phytobiomes, một nhóm các nhà khoa học do Tiến sĩ Terrence Bell và Jenny Kao-Kniffin tại Đại học bang Pennsylvania dẫn đầu đã xác định liệu lịch sử dinh dưỡng có làm thay đổi chức năng của vi sinh vật trong đất hay không. Câu trả lời dường như là có, và đất được xử lý với lượng phốt pho cao có thể dẫn đến hiệu suất của cây kém hơn, dường như các vi sinh vật trong đất có thể tác động tiêu cực đến năng suất của cây.
Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu đã trồng bốn thế hệ cỏ linh lăng (Medicago sativa) trong đất với nồng độ phân bón P khác nhau (thấp đến cao) và sau mỗi thế hệ, một lượng nhỏ đất, bao gồm cả các vi sinh vật từ đất, từ chậu chứa các cây phát triển hàng đầu đã được chuyển sang thế hệ tiếp theo. Sau đó, họ sử dụng các vi sinh vật được chọn trong từng điều kiện dinh dưỡng để xác định xem liệu lịch sử dinh dưỡng có làm thay đổi chức năng của vi sinh vật trong đất hay không, ngay cả khi một sửa đổi dinh dưỡng cụ thể (ví dụ phân bón P vô cơ cao) không còn được áp dụng.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng cây cỏ linh lăng được trồng trong đất được xử lý bằng phân bón P vô cơ cao, hoặc với các vi khuẩn từ phương pháp xử lý này nhưng khi phân bón P thấp, hoạt động kém hơn so với cây cỏ linh lăng được trồng trong đất được xử lý với mức độ P thấp hơn hoặc không có phân bón P. Sử dụng trình tự DNA, họ thấy rằng thành phần của vi sinh vật phát triển khi sử dụng P vô cơ cao khác biệt với các phương pháp khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sử dụng phân bón P quá mức có thể có tác động tiêu cực lâu dài đến năng suất cây trồng bằng cách giảm các vi sinh vật (hoặc cách chúng hoạt động) vốn rất quan trọng đối với sức khỏe cây trồng.
Nguyễn Minh Thu (Theo sciencedaily)