Vào đầu những năm 1980, Ernst Gotsch – một công dân Thuỵ Sỹ – cha đẻ của mô hình Nông – Lâm kết hợp đã quyết định mua lại một khu đồi trọc (trang trại Olhos D’Água – Brazil) với đất đai đã bị thoái hoá, cằn cỗi do hậu quả của việc khai thác gỗ và tàn phá rừng nghiêm trọng. Ernst, ngay khi đó, đã quyết định sẽ âm thầm bền bỉ làm cuộc cách mạng trên mảnh đất này.
Với việc hiểu sâu sắc về hệ thống tự nhiên với quy luật sinh tồn, Ernst cần mẫn thức dậy lúc 5 giờ sáng từ thứ Hai đến Chủ nhật để thực hiện cuộc cách mạng của mình. Trong một năm, ông trồng kín 500 hecta rừng xen kẽ giữa ca cao, chuối và cây xanh. Một thập kỷ sau, các kỹ thuật viên của Viện Tài nguyên Môi trường và Tái tạo Brazil (Ibama) của Salvador đã ngạc nhiên khi thấy những hình ảnh trên không của khu vực và đến đó để hiểu những gì đang xảy ra ở vùng đất “gringo” (tên riêng được dùng để chỉ vùng đất của Ernst – một người da trắng xứ Âu tới Brazil). Từ trên cao, những gì được nhìn thấy là một khu rừng rậm rạp, và ẩn giấu trong nó một khu vực nông nghiệp có năng suất cao.
Có thể nói, một sự “lột xác” thực sự đã diễn ra ở đây sau khi thực hiện theo phương pháp Nông lâm kết hợp: độ phì nhiêu của đất được tái tạo, những con suối đã biến mất được hồi sinh, mưa cũng trở lại, tất cả tạo ra một chu kỳ đổi mới liên tục. Làm thế nào điều này được thực hiện? “Làm việc cùng với thiên nhiên và không chống lại nó”, Ernst trả lời. “Và thực hiện những chiến lược giống như cách mà hệ sinh thái tự nhiên hoạt động.”
Ernst giải thích: “Phương pháp này xem tất cả các loài là một phần của hệ sinh thái vĩ mô, hoạt động trên nguyên lý cùng hợp tác và dành tình yêu vô điều kiện với sự sống. “Con người chúng ta là một phần của hệ thống này,” ông nói. “Thay vì là những kẻ chỉ biết khai thác, chúng ta có thể là những người tạo nên tài nguyên.”
Kỹ thuật kết hợp Nông nghiệp và Rừng để hồi sinh hệ sinh thái bắt đầu lan rộng và thu hút những người quan tâm như Henrique Souza, chủ sở hữu của Fazenda Ouro Fino, ở Jaguaquara, Bahia. Ernst trở thành cố vấn của Henrique, cả ở trường đại học và trên mảnh đất của anh. Đi cùng thầy Ernst, Henrique đã biến tài sản của mình thành một khu rừng cung cấp đầy đủ những nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất bột giấy, trái cây sấy khô, mật ong, bột mì, hạt giống và cây giống. Tất cả trong một môi trường tự điều tiết, không có phân bón và thuốc trừ sâu, nơi thiên nhiên tự “sản xuất” phân bón và tự bảo vệ khi cần.
Phải mất 15 năm để nông nghiệp theo phương pháp của Ernst được nhận biết là Syntropic (năng lượng tương hợp). Nhưng thuật ngữ này đã là một phần trong vốn từ vựng của ông để giải thích về tiềm năng của hệ sinh thái khi chúng được tác động tích cực qua hành động của con người. “Mỗi một cây xanh, không chỉ cần đất, phân bón và nước, mà còn cần cả các điều kiện vi khí hậu để phát triển”, Ernst cho biết. “Khi hiểu được điều này, người nông dân có thể tạo ra được hệ sinh thái đa dạng sinh học, cung cấp cho mỗi cây một môi trường sống tốt, mà không cần phải dùng tới hoá chất (chất độc) và phân bón.”
Ở những khu vực đất đai thoái hoá, sự phục hồi của đất được tăng tốc thông qua việc ủ lên đất các chất hữu cơ. Người ta thường thấy Ernst với một con dao rựa trong tay, thực hiện việc cắt tỉa cành và những cành được cắt tỉa này rơi xuống đất, phân hủy, từ đó phát triển các loại nấm và vi khuẩn giúp cố định các chất dinh dưỡng như nitơ trong đất.
Việc trồng mùa màng diễn ra cùng với việc gieo hạt và trồng các cây giống dài ngày. Hạt giống và cây giống phát triển, tạo bóng râm và giúp khôi phục độ phì nhiêu của đất. Tối đa hai tháng sau khi gieo mùa, nông dân có thể bắt đầu thu hoạch rau và các sản phẩm khác, như dứa, ngô và sắn, tạo thu nhập để đầu tư vào việc phục hồi đất và phát triển các loại cây trồng mới.
Hệ thống đã được phát triển bởi Ernst khi ông vẫn còn sống ở Thụy Sĩ. Ngay từ khi còn làm trong lĩnh vực cải tiến di truyền tại một tổ chức nghiên cứu có uy tín, Zurich-Reckenholz, Ernst đã đặt câu hỏi rằng “Cải thiện điều kiện môi trường sống, kích thích cân bằng sinh thái chẳng phải có lợi hơn nhiều đối với sự sinh trưởng của cây cối hơn là lai tạo những giống gen mới cho cây để làm chúng trở nên dẻo dai hay sao?”
Sau khi tự nguyện nghỉ việc, ông đã dành vài năm để thử nghiệm giả thuyết của mình trên đất châu Âu và nhận được lời mời ứng dụng nghiên cứu của mình vào thực tế. Năm 1979, Ernst đã dạy các phương pháp nông nghiệp bền vững cho một một dự án tại nơi trú ẩn của người tị nạn Nicaragua ở Volcan của Buenos Aires, Costa Rica, trong thời kỳ nội chiến ở Nicaragua.
Năm 1982, sau cuộc xung đột, ông đến Brazil để tư vấn cho một người nông dân có sở hữu một khu đất nghèo nàn ở Bahia, và ông mua Fugidos da Terra Seca, với kế hoạch phục hồi nơi này bằng trồng rừng và trồng ca cao. Ngày nay, trang trại của ông xuất khẩu cacao chất lượng cao, trị giá gấp bốn lần so với sản phẩm cacao thông thường.
Sau nhiều năm áp dụng kiến thức của mình vào các hệ thống nhỏ hơn, Ernst bắt đầu thử nghiệm thành công trong nông nghiệp quy mô lớn. Một dự án thành công phải kể đến là trang trại Toca (Fazenda da Toca) của Pedro Diniz. Năm 2017, Ernst bắt đầu hợp tác với một nhà sản xuất ngũ cốc lớn ở thành phố Rio Verde, phía nam Goiás, người mà sau khi biết về thành quả tại Fazenda da Toca, đã quyết định trồng 50 ha nông lâm theo phương pháp của Ernst (có sử dụng cơ giới.)
Phong trào Nông – Lâm kết hợp đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tại Đông Nam Á, các hội thảo chuyên đề giới thiệu những nguyên lý cơ bản và thực hành triển khai Nông Lâm kết hợp đã được tổ chức tại Malaysia, Indonesia, và Phillipin. Tham gia hội thảo không chỉ gồm những người nông dân, những người chủ sở hữu các trang trại, đồn điền, mà còn có thành viên từ các hội nông dân, hội khuyến nông, giảng viên – giáo sư tại những trường Đại học có chuyên nghành liên quan, cán bộ từ các Viện Nông Lâm nghiệp quốc gia. Kiến thức thu được từ hội thảo có tính ứng dụng cao, khả thi – giúp giải quyết được rất nhiều bài toán khó liên quan tới phát triển Nông Lâm nghiệp tại các quốc gia này.
Việt Nam là một đất nước vùng nhiệt đới, có các điều kiện thổ nhưỡng khí hậu khá gần với Brazil, một quốc gia Nam Mỹ và là cái nôi của Nông Lâm kết hợp. Phong trào Nông lâm kết hợp đang diễn ra rất sôi nổi tại đất nước này, và nhận được sự hưởng ứng – đồng thuận không chỉ từ chính phủ, mà còn từ nông dân, người làm giáo dục, học sinh sinh viên, từ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác.
Đỗ Lê Kim Huệ