Trong những thập kỷ gần đây các gia đình trong khu vực OECD đã trải qua quá trình chuyển đổi đáng kể. Gia đình mở rộng đã gần như biến mất ở nhiều quốc gia và gia đình truyền thống bao gồm một cặp vợ chồng với các con đã trở nên ít phổ biến hơn khi tỷ lệ ly hôn, sống chung, các cặp “sống riêng cùng nhau”, cha mẹ độc thân và sống chung đồng giới đã tăng lên. Di cư gia tăng, văn hoá và các giá trị ngày càng trở nên đa dạng, nhiều phụ nữ đảm nhận công việc hơn, thanh niên dành nhiều thời gian hơn cho giáo dục và đào tạo, người cao tuổi sống lâu hơn và tình trạng sống độc thân hơn.

Các xu hướng trên được dự đoán sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới, với sự gia tăng đáng kể ở nhiều nước OECD về: số hộ gia đình một người (chiếm đến 30-40% tổng số hộ gia đình vào năm 2025-30 ở nhiều nước), số hộ gia đình cha mẹ đơn thân (chiếm 30-40% số các hộ gia đình có con vào năm 2025-30 ở một số nước) và các cặp vợ chồng không có con. Sự gia tăng số các hộ gia đình không có con, tỷ lệ ly dị, tái hôn có thể làm suy yếu các mối quan hệ gia đình và xói mòn khả năng chăm lo gia đình, trong khi số lượng các hộ gia đình đơn khẩu ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực đối với nhà ở. Từ triển vọng STI, các xu hướng gia đình này sẽ có những tác động đến tiêu dùng và nhu cầu đổi mới sáng tạo, trong khi lỗ hổng trong chăm sóc người cao tuổi sẽ làm tăng nhu cầu các công nghệ trợ sinh, bao gồm chăm sóc sức khỏe từ xa (telecare) và robotics.

Thu hẹp khoảng cách giới

Có nhiều dấu hiệu cho thấy khoảng cách về giới đang hẹp dần, do sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ vào chính trị, tỷ lệ nữ giới theo học đại học và tham gia vào thị trường lao động cũng gia tăng. Ở trình độ đại học, bình đẳng giới đang đạt được những tiến bộ quan trọng. Ở hầu hết các nước OECD, phụ nữ đã chiếm ít nhất 50% số lượng tuyển sinh đại học. Sự xuất hiện của các nhóm nữ có trình độ cao như vậy có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, đời sống gia đình, mẫu hình chăm sóc trẻ em và người cao tuổi. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ các em gái nhập học ở tất cả các cấp đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua. Có ý kiến lạc quan cho rằng vào giữa thế kỷ này, khoảng cách giới toàn cầu ở cấp tiểu học sẽ gần như biến mất, mặc dù các bé gái có thể vẫn còn ít được đi học hơn ở nhiều nước nghèo nhất thế giới. Trong lĩnh vực STI, trong khi có một số tiến bộ về khoảng cách giới, tỷ lệ các nhà khoa học nữ có xu hướng giảm do thâm niên tăng; số doanh nhân nam nhiều hơn nữ và tỷ lệ nữ điều hành một doanh nghiệp thực chất không tăng ở hầu hết các nước. Hầu hết nghiên cứu khoa học đều không coi giới tính là những biến số và coi nam giới là chuẩn mực, dẫn đến những kết quả sức khoẻ và an toàn khác nhau cho phụ nữ và nam giới. Những khoảng cách còn tồn tại này dẫn đến việc sử dụng không đúng mức các kỹ năng của phụ nữ và hạn chế những lợi ích của khoa học ngày nay.

Xã hội kết nối hơn

Công nghệ số đang biến đổi các xã hội, làm thay đổi cách mọi người sống, làm việc và giao tiếp. Ví dụ, trong thập kỷ tới, IoT sẽ làm cho các ngôi nhà, nơi làm việc và môi trường rộng hơn (ví dụ như cơ sở hạ tầng đô thị tiên tiến) ngày càng trở nên kết nối với nhau. Sự kết nối ở khắp mọi nơi này sẽ hỗ trợ sắp xếp công việc linh hoạt hơn, mặc dù với những hậu quả không chắc chắn về cân bằng giữa công việc – cuộc sống. Đối với các nước đang phát triển, sự thâm nhập của Internet đang phát triển nhanh chóng, được hỗ trợ đáng kể bởi băng thông rộng di động. Ước tính trong giai đoạn bảy năm từ 2014 đến 2020, sẽ có thêm 1,1 tỷ người sử dụng điện thoại di động lần đầu tiên, hay 155 triệu mỗi năm, thuê bao băng rộng di động sẽ đạt 7,7 tỷ trên toàn cầu vào năm 2020.

Tầng lớp trung lưu và tiêu dùng toàn cầu

Giàu sang và thu nhập tăng lên ở các nền kinh tế đang phát triển đi kèm với sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu toàn cầu. Theo các dự báo hiện nay, tầng lớp trung lưu của nền kinh tế toàn cầu dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2009-2030, từ 1,8 tỷ đến gần 5,0 tỷ người, chiếm khoảng 60% dân số thế giới. Khoảng 2/3 số công dân hạng trung này theo dự báo sẽ thuộc về châu Á. Với phạm vi chi tiêu rộng của tầng lớp trung lưu, một số nước có tầng lớp trung lưu giàu có hơn các nước khác. Ngày nay, tầng lớp trung lưu ở châu Âu và Bắc Mỹ chỉ chiếm hơn một nửa tổng số toàn cầu nếu tính về số người, nhưng chiếm gần 2/3 tổng chi tiêu của tầng lớp trung lưu thế giới. Và điều này đang thay đổi, tỷ trọng chi tiêu của tầng lớp trung lưu ở châu Á dự đoán sẽ tăng từ khoảng một phần tư chi tiêu trung lưu toàn cầu hiện nay lên gần 60% vào năm 2030, dẫn đến một sự thay đổi lớn từ chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo sang chi tiêu có lựa chọn cho các hạng mục như đồ dùng gia đình và tiệm ăn.

Đô thị hóa

Đến năm 2050, dân số đô thị được dự báo sẽ vượt quá 6 tỷ người – tăng từ dưới 1 tỷ vào năm 1950. Hầu như tất cả sự gia tăng dân số đô thị sẽ xảy ra ở các thành phố thuộc các nước đang phát triển, với gần 90% diễn ra ở châu Á và châu Phi. Các thành phố tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sự phát triển này khi cung cấp các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước hiện đại cho số lượng cư dân ngày càng tăng. Dựa vào những tiến bộ trong công nghệ cảm biến và kết nối thông qua tính toán hiệu suất cao, các khu đô thị ở các nền kinh tế tiên tiến hơn sẽ ngày càng trở thành các “thành phố thông minh”. Các mạng lưới và hệ thống giao thông, tiện ích sẽ ngày càng kết nối với nhau, qua đó hỗ trợ việc sử dụng bền vững và quản lý các nguồn lực.

Cùng lúc, tỷ lệ các nhóm thu nhập thấp được đô thị hoá ngày càng tăng trong những thập kỷ tiếp theo, do đó ở một số khu vực, tăng trưởng đô thị sẽ gần như đồng nghĩa với sự hình thành các khu nhà ổ chuột. Các khu đô thị ổ chuột có tình trạng nhà ở không hợp tiêu chuẩn và các dịch vụ về nước, vệ sinh và quản lý chất thải không thỏa đáng, tất cả đều dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với sức khoẻ con người và môi trường. Những khu vực như vậy cũng dễ xảy ra xung đột và bất ổn xã hội.

NASATI (Theo OECD Science, Technology and Innovation Outlook)