Doanh nghiệp là những động lực đổi mới chủ yếu nhưng thường có xu hướng đầu tư dưới mức cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT). Họ tham gia thực hiện NC&PT để vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh, để thành công hơn trong kinh doanh và gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên chi phí và tính chất không chắc chắn của NC&PT, khoảng thời gian cần thiết để thu được lợi nhuận từ đầu tư và khả năng các đối thủ cạnh tranh có thể nắm bắt được hiệu ứng lan tỏa tri thức – do bản chất không cạnh tranh và không loại trừ của NC&PT, thường làm giảm động cơ thúc đẩy họ tiến hành NC&PT.

Hiệu quả của các chính sách tài trợ công có thể được đánh giá dựa trên ba cơ sở chính. Thứ nhất, chi tiêu chính phủ có thể lấn át đầu tư tư nhân, ví dụ như bằng cách làm tăng nhu cầu và chi phí NC&PT thông qua trả lương cho các nhà nghiên cứu cao hơn. Thứ hai, các chính phủ có thể hỗ trợ cho các dự án được gọi là “hiển nhiên phải thực hiện” để các doanh nghiệp có thể sử dụng tiền quỹ công thay cho tiền túi riêng của họ. Thứ ba, các chính phủ thường phân bổ tài trợ công kém hiệu quả hơn các tác nhân thị trường, do đó gây méo mó cạnh tranh và phân bổ nguồn lực. Bằng cách cố gắng “chọn người thắng”, họ có thể chọn cách hỗ trợ cho các lĩnh vực nghiên cứu ít có triển vọng hơn hoặc thiên về những người giữ chức vụ và các nhóm vận động gây bất lợi cho các doanh nghiệp mới và đổi mới.

Các chính phủ tài trợ cho NC&PT và đổi mới doanh nghiệp thông qua một hỗn hợp các công cụ trực tiếp và gián tiếp. Các chính phủ cung cấp hỗ trợ trực tiếp thông qua mua sắm công đối với NC&PT và các hình thức trợ cấp, tài trợ, khoản vay hay tài trợ bằng đầu tư cổ phần. Hỗ trợ gián tiếp thông qua các khuyến khích tài chính, như ưu đãi thuế NC&PT. Tài trợ trực tiếp cho phép các chính phủ nhằm mục tiêu vào các hoạt động NC&PT cụ thể và chỉ đạo các nỗ lực doanh nghiệp hướng tới các lĩnh vực NC&PT mới hay các lĩnh vực mang lại lợi ích xã hội cao nhưng triển vọng lợi nhuận lại thấp, ví dụ như công nghệ xanh và đổi mới xã hội; các công cụ tài trợ trực tiếp thường phụ thuộc vào các quyết định tùy theo ý muốn của chính phủ. Ưu đãi thuế làm giảm được chi phí biên của NC&PT và chi tiêu đổi mới; chúng thường có tính trung lập hơn so với hỗ trợ trực tiếp về mặt đặc điểm ngành công nghiệp, khu vực và doanh nghiệp, mặc dù điều đó không ngoại trừ một số khác biệt, thường là do quy mô công ty. Trong khi tài trợ trực tiếp thường nhằm mục tiêu đến nghiên cứu dài hạn, các phương án thuế NC&PT lại có vẻ như thiên về khuyến khích nghiên cứu ứng dụng ngắn hạn và thúc đẩy đổi mới gia tăng hơn là những đột phá căn bản.

Hỗ trợ tài chính trực tiếp được cung cấp thông qua các khoản trợ cấp cạnh tranh và tài trợ bằng vay nợ, như các khoản vay cho các dự án NC&PT. Các cơ chế chia sẻ rủi ro được sử dụng rộng rãi nhằm cung cấp cho người vay bảo hiểm rủi ro và nâng cao cơ hội tiếp cận tín dụng của các công ty. Bảo lãnh một khoản vay có nghĩa là trong trường hợp một khoản vay không thanh toán được, phương thức bảo lãnh tín dụng sẽ bồi hoàn một phần đã được xác định trước trong khoản vay tồn đọng cho người vay.

Một số hỗ trợ trực tiếp liên quan đến mua sắm công. Tại Pháp và Hoa Kỳ, một tỷ trọng lớn hỗ trợ công cho NC&PT được cung cấp cho các công ty thuộc ngành công nghiệp quốc phòng để phát triển thiết bị quân sự và các ứng dụng dân sự tiềm năng. Trong khi chính phủ sở hữu tài sản trí tuệ của kết quả nghiên cứu được triển khai trong khuôn khổ các chương trình mua sắm công, các kết quả nghiên cứu thuộc về các công ty thực hiện NC&PT tuân theo một các phương thức tài trợ khác.

Nhiều nước OECD có các kế hoạch và các quỹ cho tiếp cận tài chính giai đoạn đầu, đặc biệt là vốn cổ phần. Hỗ trợ được cung cấp cho lĩnh vực vốn mạo hiểm, một số chính phủ tích cực áp dụng hình thức tài trợ bằng vốn cổ phần. Một cách tiếp cận phổ biến là tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn mạo hiểm thông qua các quỹ vốn mạo hiểm của nhà nước, các quỹ đồng đầu tư với tư nhân và hình thức “quỹ của các quỹ”.

Hỗ trợ trực tiếp cho đổi mới khác với các kế hoạch liên quan đến NC&PT, bao gồm các biện pháp thúc đẩy thương mại hóa đổi mới, hỗ trợ phát triển các mạng lưới, thúc đẩy các trung tâm đổi mới khu vực và tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận thông tin, kinh nghiệm chuyên môn và tư vấn. Chứng chỉ đổi mới hay dịch vụ tư vấn công nghệ và các chương trình khuyến khích là những công cụ chính sách chủ yếu trong lĩnh vực này.

Xu thế chính sách gần đây: 

Trong thập kỷ qua, tài trợ công cho NC&PT và đổi mới doanh nghiệp đã gia tăng tại hầu hết các nước. Hỗn hợp các chính sách sử dụng để tài trợ đổi mới doanh nghiệp cho thấy sự gia tăng trong các ưu đãi thuế NC&PT và chuyển hướng chú trọng vào hỗ trợ trực tiếp cho những mục đích mới (như chuyển giao tri thức hay tài trợ bằng vốn cổ phần).

Tại hầu hết các nước, nhà nước tài trợ trong khoảng từ 10% đến 20% chi tiêu NC&PT doanh nghiệp. LB Nga, Slovenia, Hàn Quốc và Pháp là những quốc gia hào phóng nhất, với hỗ trợ của chính quyền trung ương cho NC&PT doanh nghiệp chiếm đến hơn 0,35% GDP.

Nhiều nước đã gia tăng chi tiêu công cho NC&PT và đổi mới doanh nghiệp. Canada thể hiện cam kết của mình về một cách tiếp cận mới để hỗ trợ cho đổi mới doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa chương trình tín dụng thuế NC&PT và đang bố trí lại kinh phí cho các xúc tiến hỗ trợ trực tiếp; bằng việc khởi xướng Kế hoạch hành động vốn mạo hiểm Canada và hỗ trợ ươm tạo và xúc tiến doanh nghiệp; bằng việc liên tục thực hiện các chương trình mua sắm đổi mới; bằng cách tăng gấp đôi kinh phí cho Chương trình trợ giúp nghiên cứu công nghiệp và khởi xướng chương trình chứng chỉ đối với các SME; thay đổi Hội đồng nghiên cứu quốc gia để cung cấp thêm nhiều hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động đổi mới doanh nghiệp; và bằng cách thiết lập một dịch vụ hướng dẫn để tạo ra cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn đến các chương trình và nguồn lực đổi mới liên bang.

Tại CH Séc, việc thành lập Cục công nghệ mới đã diễn ra cùng với gia tăng tiền trợ cấp cho các công ty. Ngân sách nhà nước cung cấp cho các khoản trợ cấp NC&PT cạnh tranh đã được thực hiện ở Aixơlen, Niu Zilân và Nauy. Tại Aixơlen, ưu đãi thuế thông qua tín dụng thuế NC&PT mới được thực hiện gần đây cũng gia tăng.

Hỗ trợ công thông qua các công cụ thuế gián tiếp cũng đã gia tăng trong thập kỷ qua. Hỗn hợp chính sách của Pháp đối với NC&PT doanh nghiệp đã trải qua một sự thay đổi hoàn toàn. Bỉ, Ailen, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường tài trợ gián tiếp thông qua miễn giảm thuế NC&PT. Nhiều nước khẳng định vai trò mạnh hơn của các biện pháp ưu đãi thuế NC&PT trong hỗn hợp chính sách của mình đối với NC&PT và đổi mới doanh nghiệp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các kế hoạch thuế quốc gia đối với NC&PT tương đối ổn định so với các công cụ tài trợ công khác. Các nước đã có nhiều thay đổi trong thiết kế và áp dụng các công cụ tài trợ trực tiếp.

Các công cụ tài trợ trực tiếp, đặc biệt là các khoản trợ cấp cạnh tranh vẫn là những đòn bẩy chủ yếu của chính sách đổi mới. Hỗ trợ trực tiếp được cung cấp thông qua nhiều công cụ cho nhiều mục đích khác nhau (như để khuyến khích chuyển giao tri thức, gia tăng khởi nghiệp công nghệ cao, hoạt động vốn mạo hiểm, đổi mới xanh).

Các công cụ phiếu đổi mới và tài trợ bằng vốn cổ phần ngày càng chiếm vị trí thích đáng hơn trong hỗn hợp chính sách tại hầu hết các nước và là một trong những lĩnh vực chính sách STI đã thay đổi nhiều nhất.

Việc sử dụng phiếu đổi mới đã trở nên phổ biến ở khắp các nước OECD và các nền kinh tế mới nổi. Vương quốc Anh đã phân bổ ít nhất là 2,8 triệu USD PPP (2 triệu bảng) một năm, trong vòng ba năm cho chương trình phiếu đổi mới của mình, bắt đầu từ năm 2013. Canada cung cấp 16 triệu USD PPP (20 triệu đôla Canada) trong vòng ba năm cho chương trình phiếu đổi mới của họ mang tên Chương trình tiếp cận đổi mới doanh nghiệp (Business innovation access program). Hàn Quốc và Thụy Điển cũng đang triển khai thí điểm các kế hoạch phiếu. Latvia, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện các công cụ tài trợ tương tự, trong khi Ôxtrâylia (Bang Victoria), Bỉ (Vùng thủ đô Brussels) và CH Séc đã áp dụng phiếu đổi mới ở cấp nhà nước và địa phương. Một kế hoạch thực hiện phiếu mới của Italia, được quản lý ở cấp vùng, hỗ trợ cho việc số hóa các quy trình kinh doanh (website, thương mại điện tử, băng thông rộng và kết nối băng siêu rộng). Áo đã công bố một kế hoạch cấp phiếu mới trị giá 5000 euro cho đổi mới trong các ngành công nghiệp sáng tạo.

Các cơ chế tài trợ bằng vay nợ có vị trí nổi bật trong hỗn hợp chính sách nhưng hiện nay đã trải qua nhiều thay đổi. Các chính phủ phản ứng với những khó khăn tín dụng của các doanh nghiệp SME bằng cách bơm vốn vào các chương trình cho vay trực tiếp và bảo lãnh các khoản vay. Áo đã mở rộng các xúc tiến cho vay của mình đến các khởi nghiệp đổi mới, thông qua các chương trình như AWS Pre-Seed và Seed Financing đối với các công ty công nghệ cao và chương trình Frontrunner Initiative đối với các doanh nghiệp đi đầu đổi mới và công nghệ. Quỹ tăng trưởng Đan Mạch đã áp dụng một chương trình vay thứ cấp mới cho các SME và sáp nhập chương trình này với chế độ bảo đảm cho vay trước đây. Hungary đã tài trợ 224 triệu USD PPP (28 tỷ HUF) theo Kế hoạch bảo đảm cho vay New Szechenyi Loan Guarantee nhằm cải tiến các phương án tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ. Ailen áp dụng chế độ bảo đảm tín dụng và thành lập Quỹ cho vay dành cho các công ty siêu nhỏ. Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng hình thức bảo đảm cho vay và các cơ chế chia sẻ rủi ro khác nhằm khuyến khích đổi mới doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Các công cụ tài trợ trực tiếp đối với NC&PT và đổi mới doanh nghiệp ngày càng mang tính thị trường hơn, khuyến khích lựa chọn dựa trên cơ sở cạnh tranh và hợp lý hóa các chế độ hỗ trợ công. Năm 2013, Bỉ đã sửa đổi lại chế độ Trợ cấp cho các khoản trợ cấp (Grant for Grants), nhằm cung cấp tài chính cho việc chuẩn bị các dự án NC&PT của EU, làm cho chúng dễ tiếp cận hơn. Phần Lan hiện đang thực hiện một chiến lược liên kết chung nhằm cải tiến việc cung cấp dịch vụ công, trong đó bao gồm các gói dịch vụ chung đối với các doanh nghiệp tăng trưởng cao và thực hiện trao đổi một cách hệ thống các dữ liệu khách hàng trong các dịch vụ công. Việc tài trợ cho các công ty truyền thống, tăng trưởng nhanh, non trẻ hay ở giai đoạn đầu đã được tập trung vào một cơ quan (Tekes). Niu Dilân khởi xướng chương trình Callaghan Innovation nhằm tập hợp các xúc tiến khác nhau ngoài hình thức tài trợ NC&PT và cung cấp dịch vụ một cửa cho doanh nghiệp. Nauy đã thực hiện một hệ thống thông tin công nghệ mới làm đơn giản hóa các thủ tục xử lý đơn xin hưởng chế độ thuế NC&PT Skattefunn và tiêu chuẩn hóa trợ cấp quốc gia cho doanh nghiệp.

NASATI (Theo Innovation Policy Platform, Financing SMEs and Entrepreneurs OECD, OECD Scoreboard )