(NASATI) – Ngày 4/12/2017, Triển lãm quốc tế về nền sản xuất công nghiệp thông minh đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã gặp mặt các các đại biểu tham gia triển lãm này. Đây là lần đầu tiên nhiều giải pháp công nghệ thông minh tiên tiến trên thế giới được giới thiệu tại Việt Nam.
Những thiết bị này đều được kết nối Internet, mọi dữ liệu hoạt động được cập nhật liên tục tới người điểu khiển thông qua điện toán đám mây. Các thiết bị điện trong gia đình có thể được lập trình để tự động tắt mở hoặc điều khiển thông qua các thiết bị di động.
Không chỉ có Internet kết nối vạn vật, nhiều giải pháp công nghệ khác như Nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ 3D trong sản xuất, công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo cũng được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến từ Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản giới thiệu.
Trao đổi với các đại diện các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện,đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm và ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp thông minh. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai lĩnh vực này còn khá rời rạc, chưa có sự kết nối đồng bộ, hiệu quả; có nơi còn chưa nhận thức rõ về bản chất, xu thế và tác động, Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn văn Bình đề nghị các doanh nghiệp quan tâm chuyển giao và phát triển các công nghệ hiện đại tại thị trường Việt Nam, đồng thời đề nghị các ban, bộ, ngành hết sức cầu thị; lắng nghe các ý kiến và kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hoàn thiện chính sách phù hợp và tạo môi trường thuận lợi nhất, bởi lẽ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những công cụ quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hoá của mình vào năm 2030.