Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc.
Ngày 11/10, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (USAID TFP) tổ chức buổi tập huấn về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS) và Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI).
Tham dự buổi tập huấn có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục.
Về phía USAID TFP có ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án USAID TPF, ông Glenn Bosmans – Chuyên gia quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS), ông Kees R.Jonkheer – Chuyên gia quốc tế về NSS.
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp cho biết, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với lịch sử hình thành và phát triển 60 năm, với khoảng 1.800 công chức, viên chức và người lao động làm việc, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phù hợp với xu thế quốc tế, cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài, đặc biệt là sự hỗ trợ của Dự án USAID TPF. Vào năm 2021, Tổng cục TCĐLCL đã đặt ra hai vấn đề là vấn đề Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia và vấn đề Hạ tầng chất lượng quốc gia. Hai vấn đề tưởng như rất mới nhưng không hề mới, điểm mới chính là về nhận thức và tiếp cận, và ngược lại điểm không mới chính là vấn đề này đã được làm suốt 60 năm nay. Tổ chức USAID TFP cũng như một số tổ chức khác cũng đã có sự hỗ trợ Tổng cục TCĐLCL.
Cũng theo ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án USAID TPF, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những sáng kiến để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, như là Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào việc đơn giản hoá kiểm tra chuyên ngành. Sau nhiều năm thực hiện các hoạt động đó thì số lượng hàng hoá cần kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu vẫn còn rất cao chiếm 19.1% số lượng hàng hoá nhập khẩu. Như vậy, rất cao so với tiêu chuẩn quốc tế, mặc dù những vấn đề chính là những vấn đề về thể chế, tuy nhiên nhu cầu cấp thiết là đơn giản hoá các khung pháp lý về quản lý kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ Việt Nam nhận thấy cần thiết phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, trong đó có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng áp dụng quản lý chuyên ngành cũng như tăng cường mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp và chuyển dần sang hậu kiểm.
Về phần tổng quan hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn và ông Glenn Bosmans, chuyên gia USAID TFP đã trình bày tổng quan thực trạng hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam. Theo đó, thực trạng hoạt động tiêu chuẩn hóa hiện nay có trên 13000 TCVN và 800 QCVN, bên cạnh đó, bên cạnh đó, 136 Ban kỹ thuật TCVN và 54 Tiểu BKT với hơn 1.100 chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp liên quan. Giới thiệu phương pháp xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa của ISO, triển khai và đánh giá chiến lược, xây dựng lộ trình thực hiện. chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, triển khai chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia tại một số nước trên thế giới.
Về phần tổng quan Hạ tầng chất lượng quốc gia tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy cho biết, bên cạnh thực trạng hạ tầng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn đề cập, hiện nay về thực trạng hạ tầng đánh giá sự phù hợp đã có 1.958 tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định) đã được công nhận phù hợp tiêu chuẩn tương ứng; về thực trạng hạ tầng đo lường đã có 32 chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt, đã ban hành 352 ĐLVN, có gần 6.000 chuẩn chính, chuẩn công tác (70%) đã được trang bị, sử dụng tại các đơn vị sự nghiệp công lập và gần 2600 chuẩn công tác (30%) đã được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, trang bị để dùng trực tiếp kiểm định phương tiện đo và có 546 tổ chức dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã đăng ký hoạt động và đã chứng nhận kiểm định viên đo lường cho gần 4000 người.
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, ông Kees R. Jonkheer, chuyên gia Dự án USAID TFP cũng đã chia sẻ về đào tạo và thực hiện Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) – Liên quan đến Chính sách Chất lượng quốc gia (NQP), theo đó, mục tiêu dự án về NQI và đánh giá công tác thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng, hàng hóa (LPQG) là hỗ trợ Tổng cục TCĐLCL rà sát khung pháp lý về quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa, xây dựng NQI và LPQG của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam.
Cũng theo ông Kees R. Jonkheer bài toán mà dự án đặt ra đó là tại Việt Nam, NQI, các nguyên tắc và biện pháp giám sát và đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế vẫn chưa rõ ràng, nâng cao năng lực và xây dựng NQI là nhu cầu và giải pháp cốt yếu để hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện tính cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận nền Công nghiệp 4.0 và tăng năng suất về phương diện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hệ thống đánh giá sự phù hợp không hiệu quả ảnh hưởng tới việc thuận lợi hóa thương mại.
Bên cạnh đó, Luật CLSPHH chưa áp dụng triệt để các nguyên tắc quản lý chất lượng theo Luật CLSPHH và các thông lệ quốc tế tốt nhất; công tác kiểm tra chuyên môn của các bộ vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ngoài ra, ông Kees R. Jonkheer cũng đã đưa ra cách để khu vực tư nhân tham gia xây dựng NQI ở Việt Nam đó chính nâng cao nhận thức của khu vực tư nhân là điều quan trọng để tăng mức độ quan tâm, giúp các tiêu chuẩn phù hợp hơn, đồng thời sử dụng và vận hành NQI hiệu quả hơn.
Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng