Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Âm lời nói (speech sound) là mặt hình thức của lời nói cá nhân, tức lời nói được xem xét trên bình diện âm thanh (ngữ âm/âm ngữ), bao gồm phát âm âm tiết (trong đó bao chứa các thành phần tạo nên âm tiết như nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm, thanh điệu – với những ngôn ngữ có thanh điệu), phát âm từ, cụm từ, phát ngôn, ngôn bản. Nội hàm khái niệm âm lời nói còn bao hàm tốc độ, nhịp điệu, tiết tấu, ngữ điệu và trọng âm. Bất cứ một lỗi nào trong chỉnh thể âm lời nói trên đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp.

Những năm gần đây, ở Việt Nam có không ít báo cáo y khoa cho biết tại khoa tâm lí của các bệnh viện nhi đồng, trẻ đến khám do chậm nói chiếm vị trí hàng đầu (45%). Trong đó, trẻ 2 – 4 tuổi chiếm tới 71,5%, có những nghiên cứu đã mô tả nhiều trường hợp quan sát được trên thực tế về những trẻ em bộc lộ nhiều khó khăn nghiêm trọng khi phát âm, trong khi bộ máy phát âm, thính giác, thị giác của trẻ không có gì khiếm khuyết, mức độ phát triển nhận thức, xã hội – cảm xúc của trẻ bình thường và trẻ sống trong hoàn cảnh không có gì bất thường. Những trẻ này, nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời sẽ có những khó khăn trong học tập và công việc sau này.

Một đánh giá đúng về khả năng phát âm của trẻ sẽ là tiền đề tốt cho việc chỉnh âm. Nhưng dùng công cụ nào để đánh giá đúng khả năng phát âm của trẻ nói tiếng Việt là vấn đề hầu như còn bỏ ngỏ ở Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện nay, công cụ để đánh giá ngữ năng của trẻ hầu hết là những tài liệu được “Việt hóa” và đều được xây dựng một cách “tự phát” là chính.

Vì vậy, đề tài “Thiết kế bộ công cụ đánh giá chẩn đoán và ứng dụng đánh giá sự phát triển âm lời nói của trẻ em (2.0 đến 7.0 tuổi) ở TP.HCM” được thực hiện nhằm tìm kiếm phương tiện đánh giá chẩn đoán âm lời nói của trẻ em và ứng dụng đánh giá sự phát triển âm lời nói của trẻ em nói tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em.

Nhóm tác giả đã xây dựng bộ công cụ với các hợp phần của phương tiện đánh giá âm lời nói (gồm tập hợp hình ảnh minh họa cho các từ ngữ thuộc danh sách dùng làm phương tiện đánh giá, phiếu hướng dẫn trắc nghiệm viên, phiếu đánh giá âm lời nói của trẻ được đánh giá); các phiên bản phương tiện dùng để đánh giá âm lời nói của trẻ em (3 phiên bản đã được xây dựng).

Qua việc nghiên cứu thiết kế bộ công cụ cho thấy, trẻ em từ 2.0 đến 7.0 tuổi nói tiếng Việt tại TP.HCM có khó khăn về phát âm chiếm một tỉ lệ rất đáng lưu tâm. Vì vậy, việc đầu tiên của giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em là có được bộ công cụ đánh giá trẻ bình thường, xây dựng được lược đồ phát âm của trẻ bình thường. Không phải mọi người làm công tác giáo dục ở bậc mầm non và các lớp đầu tiểu học ở mảng giáo dục đại trà lẫn giáo dục chuyên biệt đều có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về hoạt động đánh giá chẩn đoán trong can thiệp trị liệu.

Hiện nay, ở TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung chưa có một bộ công cụ chuẩn để đánh giá lời nói của trẻ em từ 2.0 đến 7.0 tuổi nói tiếng Việt. Các phương tiện được sử dụng để lượng giá phát âm hầu hết là tài liệu biên dịch. Xây dựng một bộ công cụ để lượng giá phát âm cho trẻ mẫu giáo là công việc cần thiết và khả thi.

Qua đề tài này, các tác giả xây dựng và đề xuất được bộ công cụ đánh giá âm lời nói có thể ứng dụng vào kiểm tra sự phát triển âm lời nói, phát triển ngôn ngữ của trẻ em bình thường và trẻ khuyết tật; góp phần xây dựng được các nguyên tắc, quy trình, nội dung xây dựng công cụ đánh giá âm lời nói, kiểm tra sự phát triển âm lời nói của trẻ em nói tiếng Việt. Đồng thời, đưa ra các ứng dụng trong kiểm tra sự phát triển lời nói của trẻ em trong chẩn đoán sự phát triển lệch chuẩn về các chỉ số phát triển lời nói để có hướng quyết định hợp lí trong giáo dục ngôn ngữ cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng góp phần dựng lên bức tranh toàn cảnh về âm lời nói của trẻ em người Việt nói tiếng Việt và các vấn đề hữu quan; xác lập danh sách lỗi phát âm của trẻ em và các mốc phát triển âm lời nói của trẻ em qua từng độ tuổi; khẳng định mối quan hệ tương hỗ và sự cần thiết kết hợp các khoa học liên ngành (ngôn ngữ học ứng dụng, giáo dục đại trà, giáo dục chuyên biệt, chăm sóc y tế,…) trong hoạt động giáo dục trẻ em. Ngoài ra, danh sách từ cùng phiếu đánh giá âm lời nói mà nghiên cứu này cung cấp có thể dùng làm phương tiện đánh giá âm lời nói của trẻ em tiền tiểu học và học sinh lớp 1, nhất là học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ quốc gia.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)