Giới thiệu và chuyển giao thiết bị công nghệ là hoạt động góp phần không nhỏ giúp cho các DN KH-CN phát triển. Ảnh: T.BA
(Báo Sài Gòn giải phóng) Làm sao để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư và làm chủ được các tiến bộ KH-CN, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế? Chúng ta luôn nói KH-CN là quốc sách, là lực lượng sản xuất trực tiếp, nhưng vì sao còn nhiều chính sách chưa thực sự coi KH-CN là động lực, là chìa khóa quan trọng bậc nhất để Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững?
Tạo động lực
Theo Bộ KH-CN, hiện cả nước có 386 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH-CN, tăng 83 DN so với năm 2017. Bên cạnh đó, có 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao và hơn 2.000 DN đạt điều kiện DN KH-CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 2018, các DN KH-CN đã giải quyết hơn 22.738 việc làm cho xã hội với tổng doanh thu đạt 105.771,7 tỷ đồng (trong đó, doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN là 10.349,6 tỷ đồng).
Riêng tại TPHCM, để phát triển DN KH-CN, Sở KH-CN TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình hướng vào cơ sở và đặc biệt giải quyết các vướng mắc của DN khi có hồ sơ muốn thành lập DN KH-CN. Gần đây nhất, Sở KH-CN TPHCM và đại diện các DN KH-CN của thành phố đã có buổi gặp mặt, thảo luận chuẩn bị cho việc thành lập Câu lạc bộ DN KH-CN TPHCM… và đến nay mọi thứ đã sẵn sàng. Câu lạc bộ DN KH-CN TPHCM ra đời sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa các thành phần, cùng tháo gỡ khó khăn để phát triển; đóng vai trò đầu mối kết nối DN với các trường – viện nhằm hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH-CN, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển DN KH-CN tại TPHCM.
Theo ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và thị trường công nghệ TPHCM, hiện sở đã hoàn thiện quy chế hoạt động câu lạc bộ. Bên cạnh DN, câu lạc bộ còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cùng các đơn vị truyền thông.
Trong thời gian qua, số lượng DN KH-CN tại TPHCM đã có sự phát triển, từ 35 DN cuối năm 2017 tăng lên 64 DN đến thời điểm này. TPHCM cũng vượt qua Hà Nội để trở thành địa phương có nhiều DN KH-CN nhất cả nước. Tuy nhiên, các DN dù đã được chứng nhận là DN KH-CN vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và hàng loạt khó khăn khác như đăng ký sở hữu trí tuệ, tìm kiếm và phát triển công nghệ, đăng ký sản phẩm mới… Lực lượng DN KH-CN đã tác động tới sự phát triển kinh tế – xã hội rõ nét, không những tạo công ăn việc làm, mà còn tạo ra xu hướng phát triển KH-CN trong hệ thống DN Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực DN trong hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc, trong năm 2019, nhiệm vụ được Bộ KH-CN ưu tiên hàng đầu là khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN. Thu hút chọn lọc có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới thông qua các dự án, nhiệm vụ hợp tác KH-CN, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đột phá trong chính sách phân bổ nguồn lực
Trong tọa đàm về định hướng và giải pháp để KH-CN trở thành động lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đầu tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhận định: “Nói nhận thức đúng mà tổ chức thực hiện không đúng thì suy cho cùng là nhận thức chưa tới ngưỡng, chưa tới tầm. Nhận thức về tầm quan trọng của KH-CN không chỉ là tiền, là kinh phí đầu tư mà còn là chính sách để giải quyết triệt để những nhiêu khê về thủ tục hành chính, cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, chấp nhận quan niệm khoa học có rủi ro”.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong môi trường kinh doanh nếu có chính sách để phân bổ nguồn lực thuận lợi, minh bạch cho những DN, cá nhân sử dụng hiệu quả hơn, các cơ chế về thuế, tài chính đủ mạnh thì DN sẽ thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chú trọng đầu tư vào KH-CN, đào tạo nhân lực.
Năm 2018 vừa qua, có nhiều viện nghiên cứu của DN tư nhân được thành lập là tín hiệu đáng mừng. Tiến tới các nghiên cứu khoa học công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ chủ yếu từ khối DN tư nhân. Vì vậy, cần kết nối các viện nghiên cứu tư nhân với cơ sở nghiên cứu của Nhà nước, trong trường đại học một cách bình đẳng, cùng tham gia vào các chương trình nghiên cứu KH-CN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện chúng ta có nhiều chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ nhưng về cơ bản vẫn chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm của DN Việt Nam có hàm lượng KH-CN tiếp cận thị trường trong nước và thế giới. Đây là việc Bộ KH-CN cần tiếp tục tăng cường đối thoại với các DN, hiệp hội để thống nhất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vấn đề phải thực sự xem DN là trung tâm của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đề cập đến, giao nhiệm vụ cho chính Bộ KH-CN. Trong buổi tọa đàm vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu cần nghiên cứu giải pháp đột phá để DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo đó, cần có đột phá trong chính sách phân bổ nguồn lực (đặc biệt là chính sách thuế) để khuyến khích DN đầu tư vào KH-CN. Thay vì xây dựng chính sách theo hướng “bắt buộc” lập quỹ KH-CN đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thì cần có chính sách mà cụ thể nhất là chính sách thuế theo hướng tạo lợi ích để DN tăng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Không nên bắt buộc DN phải trích lập bao nhiêu phần trăm doanh thu cho quỹ phát triển KH-CN. Bởi điều này dễ dẫn đến cách hành xử theo kiểu “đối phó”.
Vì vậy, cần có chính sách để DN “đua nhau” đầu tư vào nghiên cứu, phát triển. DN nào đầu tư nhiều cho KH-CN sẽ được ưu đãi về thuế, được ưu tiên phân bổ nguồn lực. “Nền KH-CN của đất nước phải dựa trên một chính sách kinh tế minh bạch về phân bổ nguồn lực, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy KH-CN phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.