TTO – Nhà trường sẵn sàng cho mượn kinh phí, hỗ trợ nhân lực, kiến thức kỹ thuật, trang thiết bị và bản quyền vẫn là của nhà sáng chế.

Từ trái sang: nhà sáng chế Trần Quốc Hải (Tây Ninh), TS Nguyễn Thiên Tuế – hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và ông Nguyễn Văn Hai (Bình Thạnh) trao đổi ý tưởng làm bờ kè từ vỏ xe tải – Ảnh: T.HÂN

Từ Nghệ An, Bình Thuận, Bến Tre, Tây Ninh, Phú Yên và Lâm Đồng, 9 nhà khoa học chân đất được mời đến TP.HCM, đứng trước những tiến sĩ, giảng viên ĐH kể về hành trình sáng chế, xuất khẩu sản phẩm khoa học kỹ thuật của mình.

Cuộc tọa đàm độc đáo này do Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tổ chức hôm 30-1, với mục tiêu phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa nhà trường và các nhà sáng chế.

Trong dài hạn, hai bên sẽ hỗ trợ nhau về ý tưởng sáng tạo, kinh nghiệm thực tiễn, con người và trang thiết bị hiện đại.

Cùng ngồi lại bàn giải pháp

Máy gieo hạt chân không cắt giảm chi phí nhân công chỉ với vài chục ngàn đồng tiền điện mỗi ngày, máy phân loại cà phê xanh – cà phê chín với hiệu suất hơn 90%, robot 9 thao tác của ông “hai lúa” nổi tiếng xứ thanh long, dây chuyền cơ giới hóa quá trình trồng trọt, thu hoạch khoai mì… là những công trình mày mò sáng tạo của những “kỹ sư” trình độ lớp 4, lớp 5, lớp 9.

Bên cạnh các nhà sáng chế mới thành công, có một số tên tuổi gây choáng với gia tài gần 20 sáng chế, còn được xuất khẩu qua 6 nước.

Trước đó, đại diện nhà trường đã giới thiệu 16 thiết bị phục vụ nông nghiệp trong lĩnh vực cơ khí 20 năm qua, do giảng viên của trường nghiên cứu phát triển.

Nức tiếng với máy xe chỉ ở vùng Bến Tre, ông Lê Văn Liêm nói: “Tui học tới lớp 9, không biết máy vi tính, để làm ra một sản phẩm cực dữ lắm! Bà con xài tốt, nhưng độ ổn định nói thiệt là không.

Làm sao ổn định trong điều kiện máy móc thiếu thốn, phải mua ve chai máy tiện hồi 40 năm trước?

Nhưng mình chịu khó, thường xuyên bỏ công đi chỉnh sửa cho bà con, để mọi người an tâm dùng máy sản xuất. Máy bán 50 triệu đồng, bà con mua trả góp, mình cũng bán. Nhu cầu nhiều, nhưng cơ sở thiếu trăm bề, khó sản xuất lớn.

Đề xuất thì tui không dám, chỉ mơ ước có máy tiện, máy phay để làm ra máy xe chỉ nhanh, đẹp, ổn định, giảm giá thành cho bà con”.

Đáp lời các nhà sáng chế nông dân, hiệu trưởng – TS Nguyễn Thiên Tuế bày tỏ: “Chúng tôi rất trân trọng sáng kiến, ý tưởng của các anh chị. Chỉ tiêu của chúng tôi là mỗi năm dành 10 tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học, nhưng chủ yếu đề tài của chúng tôi mang tính lý thuyết, hàn lâm.

Chúng tôi muốn các đề tài đó có thể thành sản phẩm cụ thể phục vụ bà con nông dân, phục vụ xã hội, nhưng lại không am hiểu nhu cầu thực tế bằng các anh chị. Đây là dịp hai bên ngồi lại bàn giải pháp, để sản phẩm nghiên cứu của trường sớm ra thị trường. Ngược lại, các nhà sáng chế nếu bế tắc trong nghiên cứu học thuật có thể phối hợp với chúng tôi”.

Đại diện nhà trường còn chia sẻ về nguồn kinh phí chưa thể giải ngân (7 tỉ đồng) cho nghiên cứu ứng dụng và sinh viên sáng tạo khởi nghiệp, vì các dự án chưa đi vào thực tiễn. Nhà trường kỳ vọng các nhà sáng chế sẽ trở thành cầu nối cho sinh viên khởi nghiệp.

“Anh chị nào có ý tưởng tốt, không có kinh phí, thiếu năng lực nào đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ. Lãnh đạo trường, đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu đến đây để lắng nghe đề xuất cụ thể từ nhà sáng chế. Từ đó chọn ra các hình thức hợp tác như trao đổi chuyên gia, trao đổi khoa học công nghệ, hợp tác nghiên cứu, đào tạo sinh viên…” – hiệu trưởng Thiên Tuế khẳng định.

Tư vấn quản lý tài chính, tiếp thị

Buổi tọa đàm tập trung thảo luận để tìm ra tiếng nói chung cho cách thức, lộ trình hợp tác giữa nhà trường và nhà sáng chế trong tương lai. Các lãnh đạo khoa, trung tâm nghiên cứu trực tiếp trao đổi danh thiếp, số điện thoại với các nhà sáng chế trong lĩnh vực tương ứng.

Đại diện khoa công nghệ cơ khí, TS Châu Minh Quang bày tỏ sự ngưỡng mộ về sức sáng tạo phong phú, nghị lực và đam mê của các nhà sáng chế; mặc dù xuất phát điểm khó khăn nhưng đã dũng cảm tiến vào thị trường, ổn định kinh tế gia đình.

Riêng khoa cơ khí có thể hỗ trợ bản vẽ 3D, 2D hoàn chỉnh để sản xuất hàng loạt nếu các nhà sáng chế có nhu cầu, cơ sở vật chất đầy đủ trong xưởng thực hành khoa cũng sẵn sàng trợ giúp.

Đại diện khoa công nghệ động lực ngỏ ý kết nối với các chuyên gia quốc tế để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm động cơ, đo đạc phù hợp cho từng loại máy của nhà sáng chế. Đại diện khối ngành kinh tế cam kết tư vấn kế hoạch quản lý tài chính, tiếp thị sản phẩm để nhà sáng chế chinh phục thị trường lớn hơn.

Trước sự lo lắng về nạn ăn cắp bản quyền của phần lớn nhà sáng chế, PGS.TS Phan Chí Chính – nguyên hiệu phó nhà trường – nhấn mạnh: “Phải lập tức đi đăng ký sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, để đảm bảo tính khoa học bền vững; cùng nhà trường và doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, giúp tăng cao giá trị sản phẩm. Đây là cơ hội vàng mà hai bên cần nắm lấy để làm chủ thị trường trong nước”.

“Vướng chỗ nào, cứ nói ngay, giải quyết ngay”

Khẳng định kế hoạch lâu dài của sự hợp tác này, hiệu trưởng Nguyễn Thiên Tuế khẳng định: “Nhà trường sẵn sàng cho mượn kinh phí để nhà sáng chế tạo ra sản phẩm mà không tính lãi, hỗ trợ nhân lực, kiến thức kỹ thuật, trang thiết bị. Tận dụng điều kiện hiện có, chúng tôi hỗ trợ anh chị, nhưng bản quyền vẫn là của nhà sáng chế.

Đặc biệt, chúng tôi đảm bảo thủ tục hành chính sẽ đơn giản, nhanh gọn, không rườm rà. Như bình thường chúng ta sẽ có lễ ký kết, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần điều thiết thực hơn. Anh chị cần hỗ trợ gì cứ email trình bày, cam kết hoàn trả trong bao lâu, vướng chỗ nào, nói ngay, chúng tôi sẽ giải quyết ngay”.

Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dh-bat-tay-nha-sang-che-nong-dan-20180201091644489.htm