Nghiên cứu sản xuất tôm sú bố mẹ tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 trong điều kiện nhân tạo đã được bắt đầu từ năm 2000. Trong năm này Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Tôm Vũng Tàu (nay là Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Nam Bộ) của đã thực hiện đề tài cấp Bộ về Nghiên cứu một số chỉ tiêu sinh học và kỹ thuật nhằm làm cơ sở khoa học cho chương trình cải thiện chất lượng di truyền của tôm sú tại Việt Nam (2000 – 2001). Trong đó với nội dung xây dựng đàn tôm sú bố mẹ nhân tạo làm vật liệu phục vụ nghiên cứu đã bước đầu nuôi vỗ được đàn tôm sú trong điều kiện nhân tạo từ các nguồn gốc khác nhau. Kết quả tỉ lệ thành thục > 30%, sức sinh sản thực tế 200.000 ấu trùng/tôm mẹ, thu được 127.000 PL15 đạt tiêu chuẩn chất lượng (Nguyễn Quốc Hưng, 2003). Tuy nhiên, việc gia hoá khép kín vòng đời tôm sú trong điều kiện nuôi nhốt lúc này vẫn chưa thực hiện được.
Từ các công trình nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới về gia hoá tôm he cho thấy, chế độ dinh dưỡng tốt, phù hợp cho tôm gia hoá là vấn đề then chốt cho sự thành công của qui trình sản xuất tôm sú bố mẹ gia hoá đạt chất lượng, đặc biệt là dinh dưỡng cho giai đoạn tiền thành thục và thành thục của tôm. Trên thế giới, một số các nghiên cứu về dinh dưỡng tôm sú trong điều kiện nuôi nhốt đã được công bố, chủ yếu dựa trên các kết quả khảo sát tập tính sinh học dinh dưỡng, thành phần sinh hoá của tôm tự nhiên ở các giai đoạn khác nhau để xây dựng nên. Một số khác nghiên cứu về đặc điểm hệ thống tiêu hoá, thành phần và vai trò của hệ thống enzyme của tôm, sự điều hoà qui trình biến dưỡng trong cơ thể tôm ở mức phân tử cũng đã được công bố. Tuy nhiên, dinh dưỡng tôm sú gia hoá bố mẹ vẫn còn dựa vào nguồn thức ăn tươi sống đánh bắt từ tự nhiên và nguy cơ tái lây nhiễm các mầm bệnh của chương trình SPF vẫn tồn tại.
Đối với hệ thống nuôi, các nghiên cứu về nhiều vấn đề có liên quan đến hệ thống nuôi nhốt tôm he vẫn tiếp tục được công bố như hệ thống bể nuôi bể, ao; hệ thống lọc nước và xử lý nước với các loại màng lọc sinh học, vật liệu lọc, giá thể sinh học khác nhau,… Điều này đã giúp cho các chương trình gia hoá tôm he trên thế giới tiến nhanh và thành công đáng kể.
Công nghệ sàng lọc sạch bệnh để tạo ra tôm SPF cũng được nghiên cứu cải tiến đáng kể: từ chọn lọc ngoại hình, đến các kiểm nghiệm sàng lọc áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm truyền thống, sinh học phân tử cho nguồn tôm đầu vào, cao hơn là xây dựng chương trình sàng lọc mầm bệnh đa bước kết hợp với chương trình an toàn sinh học áp dụng BMP, HACCP cho trại tôm giống.
Từ nhu cầu thực tiển cần nâng cấp và hoàn thiện qui trình sản xuất tốm sú bố mẹ gia hoá sạch bệnh nhằm khắc phục các vấn đề còn tồn tại như hiện tượng bắt cặp tự nhiên thấp, tỉ lệ nở thấp, chất lượng tinh của con đực chưa đạt yêu cầu và thử nghiệm các phép lai xa để nâng cao sức sinh sản. Trên cơ sở đó, đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học và các công nghệ khác nhằm nâng cao sức sinh sản của tôm sú (Penaeus monodon) bố mẹ nuôi trong điều kiện nhân tạo” do Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài: ThS Ngô Xuân Tuyến thực hiện nhằm mục tiêu cải thiện khả năng sinh sản của tôm sú bố mẹ gia hoá nuôi trong điều kiện an toàn sinh học đáp ứng nhu cầu sản xuất giống thương mại.
Trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Thức ăn bán ẩm: trong thức ăn viên bán ẩm lượng 5 loại acid béo quan trọng tương đối cao so với lượng có trong các loại thức ăn tươi sống, ngoại trừ lượng DHA thấp hơn trong thịt mực và hàu, EPA thấp hơn trong thịt hàu.
Thức ăn tươi sống: Lượng 5 loại acid béo thiết yếu không no ARA, EPA, DHA, acid linoleic và acid linolenic có trong thịt hàu là cao nhất. Trong nhóm 3 loại acid béo ARA, EPA và DHA thì trong hàu, lượng DHA và EPA (3.909,4 mg và 2.696,1 mg) cao hơn các loại còn lại, trong khi đó trùn biển có ARA cao nhất (940,8 mg). Trong mực có DHA tương đối cao (2.281,0 mg) và trong trùn biển có EPA tương đối cao (1.053,4 mg).
Công thức thức ăn bao gồm 60% thức ăn bán ẩm, 40% thức ăn tươi theo tỷ lệ hàu 13,3%, mực 13,1% và các thành phần khác gồm trùn biển, sò huyết, ốc len, cua ký cư cho số lượng trứng trung bình, số lần đẻ trung bình, số ngày cần cho buồng trứng tái phát dục, tỷ lệ sống của tôm đực sau khi lấy tinh tốt nhất cho đến hiện nay.
Sự thiết hụt tổng lượng 12 amino acid chủ yếu, lượng 3 amino acid thiết yếu (arginine, valine và lysine), lượng 5 acid béo không no (linoleic, linolenic, DHA, EPA và ARA), tổng lượng omega-3 và omega-6 và tỷ lệ DHA/EPA thấp trong buồng trứng và tôm nguyên con gia hóa so với buồng trứng và tôm nguyên con tự nhiên có thể là nguyên nhân gây thiểu năng sinh sản ở tôm sú.
Tôm đực khối lượng 40-60 gam được tiêm hormone Methyl Farnesoate với các liều 1.200, 600 và 120 ng/μl, tiêm 3 lần ở ngày thứ 1, 10 và 20, 1 μl/g trọng lượng tôm, cho kết quả ở liều 600 ng/μl về số lượng tinh trùng/mg, chỉ số túi tinh SI, trọng lượng túi tinh cao nhất và tỷ lệ tế bào tinh trùng bất thường và chết thấp nhất.
Tôm mẹ gia hóa có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống trong nuôi vỗ, tỷ lệ sống sau cắt mắt, tỷ lệ tham gia sinh sản, sức sinh sản, tỷ lệ thụ tinh đều đạt và vượt so với tôm mẹ gia hóa trong các nghiên cứu trước đây, nhưng vẫn còn thấp hơn so với tôm mẹ thu từ tự nhiên.
Đàn con của tôm gia hóa trong nghiên cứu này có chất lượng cụ thể như 1) Ấu trùng Nauplius có thời gian biến thái bình thương từ giai đoạn Z1 sang M1 là 100,9±0,9 giờ, M1 sang PL1 là 105,8±1,84 giờ, tỷ lệ ương thành công 92% và tỷ lệ sống từ Nauplii đến PL15 đạt ở mức trung bình 52,1±13,4% và tương đương với các tôm gia hóa các nghiên cứu trước; 2) Nuôi tăng trưởng trong ao đất cho tỷ lệ sống và trọng lượng của từng ngăn ở mức trung bình, tương ứng từ 46-61% và 20,2-22,1 gam sau 140-193 ngày nuôi.
Kết quả thí nghiệm lai chéo các nhóm tôm cho thấy phép lai tôm cái Rạch Gốc với tôm đực Đà Nẵng có thể mang lại hiệu quả sinh sản tốt nhất trong các phép phối khác giữa 3 nhóm tôm Rạch Gốc, Đà Nẵng và Châu Phi. Có thể ứng dụng phép lai tôm cái Rạch Gốc với tôm đực Đà Nẵng trong sản xuất tôm giống gia hoá sạch bệnh.
Xây dựng được quy trình sản xuất tôm sú bố mẹ sạch bệnh với kết quả nổi bật:
– Sản xuất ổn định tôm sú bố mẹ gia hoá với số lượng đạt yêu cầu 300 cặp/năm.
– Sạch các bệnh nguy hiểm trên tôm sú.
– Sản xuất được 900 cặp tôm bố mẹ khối lượng 80-84 g/tôm đực và 100-110 g/tôm cái; 2.700.000 PL15 sạch bệnh.
– Sức sinh sản đạt được cao 476.000-523.000 trứng/lần đẻ/tôm mẹ, tỷ lệ tôm sống sau cắt mắt 87,5-94,5%, tỷ lệ tôm tham gia sinh sản 64,7-85,4%, tỷ lệ thụ tinh trên 94%, tỷ lệ nở 58,2-62%, tỷ lệ sống khi ương đến PL15 46-76%.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13728/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)