Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu tiêu dùng các loại hoa mới có giá trị của cả nước nói chung, của Thành phố Đà Nẵng nói riêng đã tăng lên nhanh chóng. Nắm được tình hình trên, từ các năm 2006 – 2010, UBND Thành phố Đà Nẵng đã đầu tư các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao tại Đà Nẵng; trồng các loại hoa thông thường như hoa Cúc và hoa chất lượng cao như Đồng tiền, Lily… hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay một phần sang một số loài hoa cao cấp có giá trị kinh tế cao là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nền nông nghiệp đô thị và giải quyết nhu cầu tiêu thụ của chính Tp. Đà Nẵng. Xuất phát từ lý do trên, trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2016, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng do CN. Nguyễn Thị Minh Quyên làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất lan Hồ điệp quy mô công nghiệp tại Đà Nẵng” từ năm 2013 đến năm 2016.
Mục tiêu của đề tài nhằm ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, xây dựng mô hình sản xuất một số giống hoa lan Hồ điệp có giá trị cao, tạo ra vùng sản xuất hoa tiên tiến, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung, quy mô sản phẩm theo thuyết minh dự án và hợp đồng đã ký kết thể hiện ở các nội dung sau:
- Về công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn kỹ thuật:
Tiếp nhận 05 quy trình công nghệ liên quan đến các mô hình của dự án. Trong đó, có 01 quy trình công nghệ về nhân giống hoa lan Hồ điệp; 02 quy trình về chăm sóc cây lan Hồ điệp đến trưởng thành và 02 quy trình về phân hóa mầm hoa và chăm sóc sau phân hóa mầm hoa. Hiện nay, đơn vị chủ trì đã hoàn thiện các quy trình công nghệ trên và đang tiếp tục duy trì, ứng dụng các công nghệ đó vào sản xuất tại Trung tâm.
Đào tạo cho 04 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho 02 lớp với 61 lượt người là nông dân sản xuất tại địa bàn triển khai dự án.
- Về xây dựng các mô hình ứng dụng:
Dự án đã xây dựng thành công 02 mô hình ứng dụng. Kết quả xây dựng các mô hình cụ thể như sau:
+ Mô hình nhân giống hoa lan Hồ điệp với quy mô 50.000 cây/02 năm.
+ Mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp thương phẩm trong nhà lưới hiện đại với quy mô 960 m2 với quy mô 18.000 cây. Mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Quy trình sản xuất hoa tiên tiến, hiện đại sẽ được tiếp cận, góp phần giải quyết vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao mức sống cho bà con nông dân. Kết quả của dự án giúp Trung tâm Công nghệ sinh học chủ động sản xuất cây thương phẩm ngay tại địa phương.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15159) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)