Ngày 12/6/2018, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Đề án ứng dụng và phát triển y tế thông minh.

Tại Hội thảo, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, Đề án này có mục tiêu ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ này có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, ứng dụng và phát triển y tế thông minh để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử. Trên cơ sở đó, Đề án nêu ra 5 mục tiêu cụ thể, bao gồm: xây dựng cơ sở pháp lý để ứng dụng và phát triển y tế thông minh; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia và hạ tầng kỹ thuật cho phát triển y tế thông minh; ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong khám chữa bệnh và phòng bệnh; ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y tế và vắc xin, sinh phẩm y tế; ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong công tác quản lý về y tế, hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến đề cập đến khái niệm “công nghệ y tế thông minh”. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, cụm từ này được hiểu là việc áp dụng các công nghệ thông tin trong việc chăm sóc sức khỏe con người như vẫn đang triển khai trong thời gian qua và kết hợp với các công nghệ thông minh nhằm tạo ra các bước đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Trong khái niệm kết hợp này, các công nghệ y tế thông minh bao gồm các hoạt động y tế điện tử như: các hệ thống bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử kết hợp với các công nghệ thông minh bao gồm việc thu thập các thông tin sức khỏe từ các cảm biến, các thông tin được lưu trữ dưới công nghệ dữ liệu lớn và được tính toán, phân tích một cách tự động và cung cấp khả năng ra quyết định cho từng đối tượng cụ thể. Do vậy, công nghệ y tế thông minh sẽ bao gồm các hệ thống thiết bị phần cứng, kết hợp với việc tương tác dữ liệu y tế, bao gồm các mô phỏng dữ liệu y tế, cơ thể người bệnh theo mô hình thực tế ảo (Virtual reality).

Nếu triển khai thành công Đề án này, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan, như tiết kiệm được thời gian và chi phí khám chữa bệnh cho người dân, cán bộ y tế giảm công việc thủ công, lập đi lập lại, mà dành thời gian nâng cao chuyên môn. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, công nghệ sẽ đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển nhanh, quy mô lớn của bệnh viện. Với các cơ sở y tế dự phòng, khi phát triển được hệ thống thông tin dịch bệnh thông minh có thể dự báo được dịch bệnh để kịp thời ứng phó trong tương lai. Còn đối với cơ quan quản lý sẽ thực hiện tốt vai trò quản lý, chỉ đạo nhằm duy trì hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ y tế trên địa bàn.

NASATI