Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Exeter (Anh) đã chứng minh rằng loài hải ly có thể góp phần giúp làm sạch nguồn nước ở các sông suối bị ô nhiễm cũng như giúp ngăn chặn tình trạng xói mòn, rửa trôi đất canh tác nông nghiệp có giá trị từ các trang trại. Nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ chức từ thiện Bảo tồn Westland Countryside Stewards và Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã nhấn mạnh tác động đáng kể của loài này đối với việc giúp giảm thiểu hiện tượng rửa trôi hàng tấn đất đai cũng như các chất dinh dưỡng từ các cánh đồng lân cận vào hệ thống sông ngòi ở địa phương.

Giáo sư Thủy học Richard Brazier – người đứng đầu nghiên cứu và cộng sự đã phát hiện ra rằng một số lượng cá thể tương đương với một họ hải ly duy nhất có khả năng loại bỏ lượng lớn trầm tích, nitơ và phốt pho ra khỏi dòng chảy qua khu vực 2,5 hecta đất có hàng rào bao quanh.

Gia đình hải ly sinh sống trong khu vực được rào chắn tại một địa điểm bí mật ở Tây Devon từ năm 2011, đã xây được 13 đập, góp phần làm chậm dòng chảy của nước, đồng thời, tạo ra một loạt các ao nước sâu dọc theo dòng suối nhỏ.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo lượng trầm tích lơ lửng, phốt pho và nitơ trong nước chảy vào địa điểm trên và sau đó so sánh với nguồn nước chảy qua khu vực ao nước và đập của hải ly. Họ cũng đo lượng trầm tích, phốt pho và nitơ bị lưu giữ lại bởi các con đập ở các ao nước.

Kết quả cho thấy hơn 100 tấn trầm tích bị giữ lại, tích tụ trong các đập, 70% trong số đó là đất đã bị rửa trôi từ các cánh đồng “được giám sát chặt chẽ” ở thượng nguồn. Trầm tích này chứa hàm lượng lớn các chất nitơ và phốt pho vốn là nguồn chất dinh dưỡng dành cho các loài động vật hoang dã sinh sống gần các khu vực sông suối. Tuy nhiên, việc loại bỏ các chất này ra khỏi nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của con người để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước uống rất cần thiết.

Giáo sư Brazier cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp bị rửa trôi là rất lớn, vượt quá tỷ lệ hình thành tầng đất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng các con đập được xây dựng bởi loài hải ly có thể trôi theo dòng nước một chặng đường dài, từ đó, giảm thiểu tình trạng đất bị rửa trôi, hình thành những chiếc bẫy lưu giữ các chất gây ô nhiễm vốn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp của các thủy vực”.

Trong tự nhiên, hình ảnh các con đập được xây dựng bởi loài hải ly rất phổ biến. Qua nghiên cứu này, chúng ta đã thấy rõ hơn hiệu quả cũng như lợi ích của việc hải ly xây đập đối với toàn bộ hệ sinh thái.

Các kết quả nghiên cứu về tác động tích cực của hải ly đối với những tổn thất do hiện tượng rửa trôi đất và ô nhiễm nguồn nước được công bố vào thời điểm mà ngày càng có nhiều quan ngại về những vấn đề này. Trong năm 2009, một nghiên cứu riêng biệt ước tính rằng hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất canh tác nông nghiệp của Anh gây thiệt hại tới 45 triệu bảng Anh, phần lớn trong số đó là do tác động của ô nhiễm trầm tích và nguồn chất dinh dưỡng ở hạ nguồn.

Giám đốc Bảo tồn và Phát triển của tổ chức từ thiện, Peter Burgess cho biết: “Cả hai thử nghiệm tại cả khu vực có rào chắn và không có rào chắn đã chứng minh vai trò quan trọng của hải ly không chỉ đối với các loài động vật hoang dã mà cả cho sự phát triển bền vững của tài nguyên đất và nước“.

P.K.L (NASATI), theo https://phys.org/news/2018-05-beavers-good-reveals.html#jCp, 13/5/2018