Trong một nghiên cứu mới được công bố trực tuyến trên Oncotarget vào ngày 5/10/2017, các nhà nghiên cứu tại Viện Y học Lâm sàng Cleveland đã phát hiện ra sự khác biệt về thành phần vi khuẩn của mô vú giữa những phụ nữ khỏe mạnh với phụ nữ bị ung thư vú. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu cho thấy mô vú khỏe mạnh chứa nhiều vi khuẩn Methylobacterium hơn. Phát hiện này góp phần đưa ra một quan điểm mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư vú.
Trong và trên cơ thể con người tồn tại một số lượng khổng lồ các vi sinh vật được coi như bộ gen thứ hai (microbiome) trong cơ thể con người bao gồm các vi khuẩn, thực khuẩn thể, nấm, động vật nguyên sinh và virus. Do lượng vi khuẩn quá lớn nên sự ổn định và cân bằng của chúng tác động rất lớn đến sức khỏe mỗi người. Hầu hết các nghiên cứu trước đây đã được thực hiện trên vi khuẩn “đường ruột” chủ yếu gây bệnh ở đường tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã nghi ngờ rằng trong mô vú tồn tại một “microbiome” và nó đóng một vai trò quan trọng trong ung thư vú, tuy nhiên, họ vẫn chưa phát hiện ra đặc trưng của nó. Bước đầu tiên trong quá trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu thành phần của vi khuẩn sống trong mô vú ở những phụ nữ bị ung thư vú, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra sự khác biệt về vi sinh vật trong mô vú ở phụ nữ bị ung thư và phụ nữ khỏe mạnh.
Charis Eng, Giám đốc Viện Y học Lâm sàng Cleveland, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Di truyền cá nhân, đồng thời là tác giả của nghiên cứu cho biết: “Theo hiểu biết của tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên về sự khác biệt về số lượng vi khuẩn sinh sống cả trong mô vú và nhiều vị trí khó tiếp cận trong cơ thể bệnh nhân ung thư vú. Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra một dấu ấn sinh học giúp chẩn đoán nhanh chóng và dễ dàng bệnh ung thư vú. Mong muốn của chúng tôi là có thể sử dụng phương pháp vi sinh học ngay trước khi căn bệnh ung thư vú hình thành và sau đó ngăn ngừa ung thư với các chất sinh probiotic hoặc kháng sinh trước khi ung thư vú hình thành và sau đó ngăn ngừa ung thư bằng cách đưa vào cơ thể người bệnh những vi khuẩn, nấm men hoặc kháng sinh“.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các mô của 78 bệnh nhân ung thư đã trải qua quá trình phẫu thuật cắt bỏ vú ở bệnh nhân có biểu hiện ung thư biểu mô xâm lấn hoặc bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tiến hành kiểm tra các mẫu nước súc miệng và nước tiểu để xác định thành phần vi khuẩn của các vị trí khó tiếp cận trong cơ thể bệnh nhân.
Ngoài một lượng lớn vi khuẩn Methylobacterium trong các mẫu bệnh phẩm, các nhà nghiên cứu còn phát hiện nồng độ vi khuẩn Gram dương bao gồm tụ cầu khuẩn Staphylococcus và xạ khuẩn Actinomyces trong mẫu nước tiểu của bệnh nhân ung thư tăng cao. Do đó, để xác định vai trò của những vi sinh vật này trong chẩn đoán ung thư vú, cần thực hiện những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa.
Stephen Grobymer, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Phương pháp xác định loại vi khuẩn gây ung thư đặc hiệu có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư và tăng cường các liệu pháp điều trị hiện đang được áp dụng. Cần thiết phải thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn nữa tuy vậy, công trình nghiên cứu của chúng tôi được đánh giá là nền tảng đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu sự mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn trong mô vú ở bệnh nhân ung thư vú“. Tiến sĩ Grobmyer hiện là trưởng khoa U bướu học Phẫu thuật tại Viện Y học Lâm sàng Cleveland.
Nghiên cứu mới cung cấp bằng chứng rõ ràng nhằm hỗ trợ nghiên cứu bổ sung về khả năng tạo ra và sử dụng các hạt submicroscopic (các hạt nano), nhắm vào những vi khuẩn gây ung thư này. Được hỗ trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Nano trong lĩnh vực y học (Nanomedicine), Ts. Grobmyer và Eng đang cộng tác với các nhà điều tra tại Đại học Hebrew để phát triển các phương pháp điều trị mới trong đó sử dụng công nghệ nano để đưa kháng sinh trực tiếp vào hệ vi khuẩn tồn tại ở mô vú trong điều trị ung thư.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai (sau ung thư da) thường gặp ở phụ nữ sinh sống tại Hoa Kỳ, cứ 8 phụ nữ thì có 1 người sẽ bị ung thư vú.
P.K.L (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2017/10/171006124004.htm, 6/10/2017