Ngày 20/9/2017 tại Hội nông dân tỉnh tổ chức bàn giao Nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận” cho Hiệp hội Nho và Táo tỉnh Ninh Thuận. Hội nông dân tỉnh tham dự có ông Kiều Như Bổn, chủ tịch Hội nông dân tỉnh, Ban Thường vụ Hội nông dân tỉnh, về Hiệp hội Nho và Táo tỉnh Ninh Thuận có ông Pham Châu Hoành , chủ tịch; Ban Thường vụ Hiệp hội, Ban kiểm soát và cơ quan truyền thông tỉnh.
Hiện nay, cây táo xanh ( Ziziphus mauritiana) được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận từ Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Phan Rang, Thuận Nam, Thuận Bắc. Tại Ninh Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm vốn được nhiều người biết đến là vùng trọng điểm của cây nho và các loại rau màu; Vài năm trở lại đây, cây táo xuất hiện và đang dần dần thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả kể cả cây nho. Người dân Ninh Thuận đã từng gắn bó với cây nho, nhưng do trồng nho phải đầu tư chi phí cao lại dễ bị sâu bệnh, nên sau khi nông dân tỉnh đi học tập kinh nghiệm trồng táo ở một số địa phương, nhiều hộ nông dân đã quyết định chuyển diện tích trồng nho sang trồng táo. Trung bình, sau 3 năm, vườn táo phát triển rất tốt sẽ cho năng suất cao, bình quân 35 – 40 tấn/ha. Diện tích trồng táo tại tỉnh Ninh Thuận tăng đều qua các năm từ năm 2010 đến năm 2016, cụ thể:
– Năm 2010: 793 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch: 578 ha
– Năm 2015: 1.050 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch: 1.006 ha.
– Năm 2016: 968 ha , diện tích cho thu hoạch 900 ha. Do tác hại ruồi đục quả và giá cả thấp.
Khu vực trồng táo phân bố không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, tập trung diện tích ở huyện Ninh Phước: 698 ha, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm: 157 ha;huyện Thuận Nam: 89 ha; huyện Ninh Hải: 40 ha; Mức sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước hàng năm lên đến 30 – 40 ngàn tấn. Sản phẩm táo Ninh Thuận có mặt ở cả hai thị trường miền Bắc và miền Nam của Việt Nam, đây là một lợi thế so với các tỉnh có trồng táo trong cả nước. Tuy nhiên, giá cả tăng giảm theo mùa vụ/năm và nhu cầu thị trường làm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng táo trong tỉnh.
Táo Ninh Thuận tiêu thụ chủ yếu dưới hình thức quả tươi. Táo được phân loại tại các điểm thu mua của thương lái trong tỉnh, sau đó chuyên chở tới các chợ trong tỉnh, chợ đầu mối và các đại lý phân phối ngoài tỉnh. Phần lớn táo sản xuất ra (trên 70% sản lượng) được tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối và các đại lý ngoài tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Quảng Ngãi,… số còn lại khoảng 30% sản lượng táo được tiêu thụ trong tỉnh Ninh Thuận.
Hoạt động chế biến táo hiện nay còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có một ít cơ sở chế biến táo sấy khô (cơ sở thực phẩm Viết Nghi, trang trại Ba Mọi, công ty TNHH SX-TM Thái Thuận) và sản lượng chế biến còn rất nhỏ so với sản lượng táo được sản xuất tại địa phương. Táo sấy khô Ninh Thuận có ưu điểm là dẻo, dai, vị ngọt tự nhiên và đậm đà hơn so với sản phẩm cùng loại. Nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm táo đầu ra của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh phải có tính ổn định phù hợp với mức chất lượng đăng ký công bố.
Vì vậy, muốn sản phẩm táo có vị thế trên thị trường cần phải củng cố và hoàn thiện mô hình hệ thống tổ chức và quản lý NHTT táo Ninh Thuận.
Sơ đồ hệ thống tổ chức quản lý NHTT táo Ninh Thuận
Hội nông dân tỉnh tổ chức bàn giao quyền quản lý NHTT cho Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận nhằm tiếp tục duy trì và phát triển NHTT Táo Ninh Thuận.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận tiếp nhận thực hiện việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận. Nhằm đáp ứng khả năng cung – cầu của sản phẩm đặc thù táo Ninh Thuận Hiệp hội Nho và Táo đề nghị Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận cùng các Sở, ban ngành liên quan giúp đỡ các hoạt động kết nối cung – cầu như sau:
– Quản lý quy hoạch vùng sản xuất táo và giám sát chặt chẽ việc phát triển diện tích táo phải theo đúng quy hoạch gắn với vùng sản xuất có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp, đảm bảo tính đặc thù của sản phẩm táo Ninh Thuận.
– Nghiên cứu phục tráng giống hoặc nhập táo giống mới để chuyển đổi dần những vùng có nguy cơ thoái hóa giống và thường xảy ra dịch bệnh.
– Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các phương pháp thu hoạch và bảo quản vận chuyển giảm tổn thất sau thu hoạch tại vườn; quy hoạch khu vực thu mua và bảo quản táo bằng kho lạnh lồng ghép với các nhà sơ chế nho của dự án ngành nông nghiệp quản lý (QSEAP). Nghiêm cấm bảo quản bằng hoá chất, đặc biệt là sử dụng hoá chất công nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phối hợp với cơ quan nghiên cứu, xây dựng dự án bảo quản táo bằng công nghệ cao CAS, hoạt động theo nguyên lý kết hợp đông lạnh nhanh với từ trường do Nhật chuyển giao để phục vụ người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm an toàn.Tổ chức giám sát sản xuất táo an toàn.
– Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và kết nối giao thương sản phẩm táo Ninh Thuận với các thành phố lớn (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…); giới thiệu sản phẩm đến khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…);
– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: vận động các cơ sở du lịch (nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…) tiếp nhận táo Ninh Thuận đưa vào các thực đơn của du khách và chiếu hình ảnh DVD quảng bá sản phẩm táo Ninh Thuận ở các địa điểm trên; kết hợp xây dựng những lễ hội và sản phẩm truyền thống táo Ninh Thuận vào các chương trình du lịch trong và ngoài tỉnh.
Nhằm mục đích phát triển sản phẩm táo đặc thù của tỉnh nhà góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, thì cần các cơ quan, ban, ngành có liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại theo chức năng quản lý Nhà nước hỗ trợ những nội dung có liên quan thúc đẩy phát triển thương hiệu táo Ninh Thuận. Hội nông dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Nho và Táo trong quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, đẩy mạnh phát triển và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu táo Ninh Thuận nâng cao thu nhập nghề trồng táo tại địa phương./.
Phạm Châu Hoành- Hiệp hội nho và táo Ninh Thuận