Một nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng axit folic (vitamin B9) trong giai đoạn cuối của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR).

Axit folic, một loại vitamin B, đã được chứng minh có thể ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh (cấu trúc ban đầu của hệ thần kinh trung ương) trong phôi thai đang phát triển. Ống thần kinh phát triển trong tháng đầu tiên của thai kỳ, các chuyên gia y tế thường khuyên phụ nữ nên dùng thuốc bổ sung axit folic trong ba tháng đầu tiên. Tuy nhiên, không cần sử dụng thuốc liên tục trong giai đoạn cuối của thai kỳ và việc sử dụng thuốc kéo dài có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị mắc các bệnh dị ứng.

Nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng IUGR (một dạng hạn chế tăng trưởng trong tử cung thường gây ra nhẹ cân ở trẻ sinh ra) có thể có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi mắc các bệnh dị ứng. Nguy cơ dị ứng khi có sự hiện diện của cả hai yếu tố này vẫn chưa được làm rõ.

Các nhà khoa học người Úc tại Viện nghiên cứu Robinson của Adelaide đã nghiên cứu cừu non từ ba nhóm như sau:

– Mẹ có nhau thai nhỏ hơn bình thường (“hạn chế”);

– Mẹ có nhau thai nhỏ hơn bình thường được cho uống thuốc bổ sung có chứa axit folic liều cao trong tháng cuối thai kỳ (“bổ sung hạn chế”); và

– Mẹ có nhau thai kích cỡ bình thường và chế độ ăn bình thường (“kiểm soát”)

Nhóm nghiên cứu đã xem xét sự viêm nhiễm toàn thân và các phản ứng da, là những dấu hiệu dị ứng, với mạt bụi gây dị ứng và lòng trắng trứng. Nhóm hạn chế có mức viêm nhiễm cao hơn nhưng không có sự khác biệt trong phản ứng da so với nhóm bổ sung hạn chế và nhóm kiểm soát khi tiếp xúc với mạt bụi. Tuy nhiên, khi thử nghiệm với protein trong lòng trắng trứng, nhóm bổ sung hạn chế và nhóm kiểm soát có tỉ lệ phản ứng dị ứng cao hơn nhóm hạn chế.

Phản ứng dị ứng chỉ tăng trong một trong 2 thử nghiệm cho thấy sự bổ sung axit folic đã làm giảm một phần khả năng bảo vệ của sự hạn chế tăng trưởng thai đã được phát hiện trước đó. Những kết quả này cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về nguy cơ mắc các bệnh dị ứng ở người. Người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ về khả năng tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ khi bổ sung axit folic trong cả thai kỳ.

N.K.L (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2017/12/171221123158.htm, 21/12/2017