Bao bì công nghiệp là sản phẩm chính của ngành giấy Việt Nam, chiếm gần 70% tổng tiêu thụ toàn ngành và 45% tổng kim ngạch nhập khẩu giấy năm 2015. Tình hình sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa, mới chỉ đáp ứng được khoảng 53%, còn lại phải nhập khẩu trên 1,2 triệu tấn giấy bao bì các loại (năm 2015). Trong đó, phần lớn là các mặt hàng giấy làm các tông sóng (giấy lớp mặt, lớp giữa, lớp sóng) và giấy bìa các tông.

Nguyên liệu sản xuất giấy bao bì chủ yếu là giấy loại như OCC, OMG, ONP… Việc sử dụng giấy loại góp một phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu về nguyên liệu cho ngành giấy, hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn tài nguyên rừng và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do phế liệu giấy được tái chế nhiều lần trong quá trình sử dụng và sản xuất, nên xơ sợi bị “sừng hóa”, tỷ lệ xơ sợi vụn cao, khả năng liên kết xơ sợi kém, dẫn đến tính chất cơ lý của sản phẩm như độ chịu bục, độ bền nén vòng, độ bền kéo và bền xé giảm.

Theo thống kê đến năm 2015, các nhà máy sản xuất giấy bao bì có vốn đầu tư trong nước đa phần có sông suất nhỏ và trung bình, chất lượng các loại giấy bao bì làm lớp mặt và lớp sóng chỉ đạt chất lượng trung bình và thấp. Do đó, việc nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng giấy bao bì trên các điều kiện sẵn có về thiết bị và nguyên liệu là việc làm có ý nghĩa thực tiễn cao.

Hiện nay, gia keo bề mặt là một trong các biện pháp cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cho ngành giấy khá hiệu quả, có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và cải thiện độ bền cũng như các tính chất bề mặt giấy. Cùng với sự phát triển về công nghệ – thiết bị thì các giải pháp công nghệ trong việc sử dụng phụ gia, hóa chất mới cho ngành giấy cũng được nghiên cứu phát triển. Trong đó, việc sử dụng các loại keo tổng hợp kết hợp với dung dịch tinh bột để tạo ra dung dịch gia keo bề mặt là một trong những giải pháp về công nghệ hữu hiệu, được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Xuất phát từ nhu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm giấy bao bì trong nước, nhóm nghiên cứu do KS. Vương Thị Thu Trang, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đứng đầu đã kiến nghị và đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài: “Xây dựng được giải pháp công nghệ gia keo bề mặt để nâng cao chất lượng giấy làm lớp mặt của các tông sóng” với mục tiêu xây dựng được giải pháp công nghệ gia keo bề mặt để nâng cao chất lượng giấy làm lớp mặt của các tông sóng.

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đạt được các kết quả như sau: 
1. Đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ và chất lượng giấy bao bì công nghiệp trong nước tại 03 doanh nghiệp khu vực phía Bắc và 02 doanh nghiệp khu vực phía Nam.

  1. Đã tiến hành thu thập, phân tích chất lượng 03 mẫu giấy các tông hòm hộp trong nước và 03 mẫu giấy các tông hòm hộp nhập khẩu từ Nhật Bản, Nga và Mỹ.
  2. Đã tiến hành thu thập, phân tích chất lượng của 14 mẫu giấy lớp mặt sản xuất trong nước tại 05 doanh nghiệp và 07 mẫu giấy lớp mặt nhập khẩu.
  3. Đã xác lập được quy trình công nghệ gia keo bề mặt cho sản xuất giấy lớp mặt. Trong đó, độ chịu bục, độ bền nén vòng và độ bền bề mặt tăng tương ứng so với giấy không gia keo là 41%, 37%, 16,7% và tăng 23%, 15%, 8,3% so với giấy gia keo chỉ gia keo tinh bột.
  4. Đã xây dựng quy trình công nghệ gia keo bề mặt cho sản xuất giấy làm lớp mặt của các tông sóng tại Công ty Cổ phần Giấy Thanh Long và tiến hành sản xuất thử nghiệm được 13,37 tấn giấy làm lớp mặt định lượng 175g/m² trên dây chuyền sản xuất giấy công suất thiết kế 15 tấn/ngày. Chất lượng sản phẩm đã đạt được mục tiêu của đề tài đặt ra và yêu cầu của doanh nghiệp. Trong đó:

– Sản xuất theo quy trình hiện tại của nhà máy được 2,18 tấn giấy đạt các chỉ tiêu: độ chịu bục 3,6 kgf/cm2, độ bền nén vòng 16,2 kgf/6 inch, độ bền bề mặt (chỉ số nến) 14.

– Sản xuất theo quy trình có sử dụng DS150 trong nội bộ và bề mặt được 2,48 tấn có độ chịu bục tăng 19,4%, độ bền nén vòng tăng 13,5% và độ bền bề mặt (chỉ số nến) tăng 14,3% so với giấy sản xuất theo quy trình hiện tại.

– Sản xuất theo quy trình có sử dụng DS150 cho gia keo bề mặt được 8,71 tấn giấy có độ chịu bục tăng là 16,7%, độ bền nén vòng tăng 12,3% và độ bền bề mặt (chỉ số nến) tăng 14,3% so với giấy sản xuất theo quy trình hiện tại.

  1. Kết quả của đề tài hoàn toàn có thể ứng dụng cho các nhà máy sản xuất giấy lớp mặt và lớp sóng làm hòm hộp các tông có hệ thống gia keo bề mặt để nâng cao chất lượng giấy bao bì công nghiệp.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13218/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)