Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và các cựu sinh viên của mình có ý định thành lập một quỹ riêng dành cho đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang tên BK Fund.
Trưng bày găng tay thực tế ảo ứng dụng trong điều khiển và ngôn ngữ ký hiệu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học ngày 31/5/2019 của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: HUST CCPR
Một điều không khó để nhận ra trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam là sự thiếu vắng các nhà đầu tư nội – từ nhà đầu tư thiên thần, quỹ mạo hiểm nội địa, quỹ nhà nước đến dòng tiền từ các tập đoàn, ngành công nghiệp. Phần lớn nguồn vốn ban đầu cho startup hoặc dự án khởi nghiệp là vốn tự tài trợ, trong khi những startup nổi bật sẽ có khả năng tìm kiếm thêm nguồn đầu tư từ những quỹ nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và các cựu sinh viên của mình đã có ý định thành lập một quỹ riêng dành cho đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Quỹ này sẽ đóng vai trò “bắc cầu” giữa hai giai đoạn phát triển công nghệ – từ nghiên cứu cơ bản và chứng minh tính khả thi thường do khu vực viện trường đảm nhiệm, đến giai đoạn phát triển hệ thống và vận hành trên thị trường thường do khối doanh nghiệp tư nhân phụ trách. Theo dự kiến, BK Fund sẽ đầu tư từ giai đoạn Seed đến Early Stage, tức từ khi startup lập kế hoạch kinh doanh đến lúc thương mại hóa lần đầu.
Theo ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Mạng lưới cựu sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong dịch Covid-19, mặc dù trường Bách khoa có không ít nghiên cứu hữu ích như bộ KIT xét nghiệm Covid-19 hay máy thở BK-Vent nhưng lại ‘chậm chân’ trong việc sản xuất hàng loạt và thương mại hóa. “Nếu như có sẵn nguồn đầu tư, chúng ta có thể có đóng góp tốt hơn, có nhiều sản phẩm cho nền kinh tế và kịp thời hơn”, ông nhấn mạnh.
BK Fund không chỉ rót vốn mà còn muốn huy động “chất xám” từ mạng lưới hơn 200.000 cựu sinh viên Bách khoa. Đầu tư cho khởi nghiệp có những đặc thù khác với các loại hình đầu tư tài chính khác, do vậy những người thiết kế Quỹ khuyến khích các nhà đầu tư trở thành cố vấn (mentor) về thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo cho các dự án hoặc startup. BK Fund sẽ được thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP với tối đa 30 nhà đầu tư, dự kiến có số vốn huy động từ 20-50 tỷ đồng trong thời gian hoạt động 10 năm, quy mô đầu tư dự kiến 1 tỷ đồng/dự án và có thể thoái vốn sau 4-5 năm. Theo điều lệ, Quỹ sẽ ưu tiên nhận vốn từ các nhà đầu tư là tổ chức cá nhân của Bách khoa, kể cả cán bộ đương chức và cựu sinh viên, nếu không có sẽ mời các nhà đầu tư bên ngoài, đồng thời ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu của trường, sau đó mới tới các dự án ngoài.
Vậy BK Fund sẽ đứng ở đâu trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Bách khoa? Về mặt pháp lý BK Fund không phải là đơn vị trực thuộc trường ĐH Bách khoa, nhà trường sẽ tham gia với tư cách nhà đầu tư sáng lập, góp vốn (15%) bằng thương hiệu. Nhưng mọi người đều nhìn thấy và kì vọng BK Fund như một mắt xích trong hệ thống ươm tạo, hỗ trợ, thương mai hóa từ các dự án, doanh nghiệp đi ra từ trường.
Ý tưởng về quỹ đầu tư BK Fund đã nhận được sự quan tâm tích cực từ phía các cựu sinh viên trường, nhiều người trong đó đang là danh nhân thành công và lãnh đạo các công ty lớn. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cho rằng công ty ông có thể rót vốn vào quỹ BK Fund bởi hai bên đã có nhiều hợp tác kĩ thuật và Rạng Đông cũng có chiến lược trích 5-7% lợi nhuận sau thuế để đổ vào các hoạt động đầu tư mạo hiểm với mục đích giúp công ty chuyển đổi số thành công. Ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch tập đoàn Cửa cuốn Austdoor, cũng chỉ ra rằng một số phát minh trường đang nắm giữ như kính không dính nước, không dính bụi có tiềm năng phát triển thành sản phẩm thương mại mà ông có thể tư vấn hoặc thậm chí trở thành đối tác kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng có không ít cựu sinh viên cân nhắc về vấn đề rủi ro. Theo pháp luật, BK Fund sẽ không có tư cách pháp nhân mà được giao cho một công ty quản lý quỹ phụ trách. Do vậy, ông Lê Việt Thanh, cựu sinh viên K29 của trường, đặt ra câu hỏi liệu các nhà đầu tư có dám đặt niềm tin nếu không hiểu rõ về uy tín hay kinh nghiệm của đơn vị quản lý quỹ? Quỹ BK Fund dự kiến sẽ hoàn thiện thủ tục đăng kí thành lập vào tháng 7 hoặc tháng 8/2020, và chính thức ra mắt vào tháng 10/2020. Bên cạnh BK Fund đã tuyên bố, hiện cũng có 5 quỹ được thành lập theo Nghị định 38 kể trên và một vài trường đại học, tư nhân và tổ chức xã hội khác đang chuẩn bị hình thành các quỹ tương tự.
Theo Báo Khoạ học & Phát triển