Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Aalto, Phần Lan đã đưa ra phương pháp biến chất thải từ gỗ thành màng sinh học trong suốt, có thể được sử dụng làm lớp phủ chống hơi nước hoặc chống chói cho kính hoặc cửa kính xe. Ngoài cung cấp giải pháp thay thế cho vật liệu tổng hợp độc hại thông dụng hiện nay, phương pháp này còn biến chất thải thành bể chứa cacbon có giá trị. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Chemical Engineering.
Lignin là chất thải dồi dào từ hoạt động sản xuất giấy và bột giấy, rất khó xử lý nên thường được đốt cháy để sản sinh nhiệt. Việc tạo ra các hạt lignin nano dùng làm lớp phủ chống hơi nước không phải là một ý tưởng mới, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể biến chúng thành màng trong suốt.
Alexander Henn, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Lớp phủ quang học phải trong suốt, nhưng đến nay, thậm chí người ta còn nhìn thấy được các màng hạt lignin khá mỏng. Chúng tôi biết rằng các hạt nhỏ lignin đục ít hơn, nên muốn xem liệu có thể tạo ra các màng hạt vô hình bằng cách đẩy kích thước hạt xuống mức tối thiểu hay không”.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng lignin acetyl hóa và áp dụng một phương pháp cải tiến để este hóa nó trong một phản ứng chỉ mất vài phút ở nhiệt độ tương đối thấp (60°C). Phương pháp mới tạo ra không chỉ lớp phủ chống hơi nước và chống chói, mà cả màng màu từ hạt lignin nano. Bằng cách kiểm soát độ dày của lớp phủ và sử dụng màng đa lớp, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời các vật liệu có màu sắc cấu trúc khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng dễ phản ứng và hiệu suất cao đồng nghĩa với triển vọng mở rộng quy mô công nghiệp theo cách có lợi.
N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2023-09-coatings-wood-by-product-glasses-windshields.html#google_vignette, 26/9/2023 (vista.gov.vn)