Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là một khái niệm phổ biến hiện nay trên toàn cầu, trong đó nội dung chính định nghĩa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như một thực thể tồn tại và phát triển liên tục, kết nối tất cả các thành phần liên kết tham gia hệ sinh thái bằng mạng các hoạt động tương hỗ, đổi mới sáng tạo.
Thông thường nói đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ nói đến các nhóm thành phần chủ chốt bao gồm: Các cơ quan quản lý, các tổ chức đào tạo, nghiên cứu phát triển, các tổ chức dịch vụ, các tổ chức doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các hiệp hội và các loại hình tổ chức khác.
Về mặt bản chất, hiện nay hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã được hình thành và bước đầu đã có những sự phát triển nhất định. Trong nhiều cách nhìn khác nhau, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thường được nhìn nhận đồng thời và đánh đồng với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do mục tiêu cuối cùng của đổi mới sáng tạo vẫn là hiện thực hóa các giải pháp có ích cho xã hội, mang lại hiệu quả và lợi ích cho các thành phần tham gia.
Tuy nhiên, mặc dù đã được hình thành và đang phát triển nhanh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề trở ngại, trong đó, đặc biệt là hệ thống các mắt xích chính vẫn còn thiếu, nhiều tổ chức kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái vẫn chưa được hình thành và hoạt động hiệu quả, do vậy, tốc độ phát triển và mức độ hiệu quả của toàn bộ hệ sinh thái vẫn chưa được như kỳ vọng.
Để góp phần hoàn thiện hệ sinh thái, hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa toàn bộ hệ sinh thái, nhu cầu cần thiết có một Trung tâm Đổi mới sáng tạo với mô hình hoạt động đột phá là rất rõ ràng. Trung tâm được thành lập sẽ góp phần xử lý nhiều vấn đề hiện nay với các tổ chức đổi mới sáng tạo, kết nối chặt chẽ hơn nữa các thành phần và tổ chức tham gia hệ sinh thái, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Vũ Tuấn Phan thực hiện “Nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo trong điều kiện hội nhập quốc tế về KH&CN” với mục tiêu: Đề xuất được mô hình hoạt động của trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển thị trường KH&CN; Xây dựng Dự thảo đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển thị trường KH&CN.
Hiện nay, vẫn còn có sự tranh cãi về định nghĩa Hệ thống đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, khác với quan điểm của nhiều người, hệ thống này không chỉ bó hẹp trong những gì thuộc về hoạt động khoa học và công nghệ. Biên giới của một hệ thống đổi mới sáng tạo phải rộng hơn hệ thống nghiên cứu phát triển và hệ thống lan tỏa công nghệ (quá trình đưa những sản phẩm mới, quy trình mới… đến với cộng đồng), nhưng đồng thời cũng nhỏ hơn hệ thống kinh tế của một quốc gia. Theo quan điểm của Freeman và Lundvall, cho rằng hệ thống đổi mới sáng tạo bao gồm tất cả các thành phần và khía cạnh của một cấu trúc kinh tế và các định chế trong đó, có tác động đến quá trình học hỏi thông qua hoạt động sản xuất và quá trình học hỏi thông qua những hoạt động mang tính chất đào tạo, nghiên cứu. Hệ thống đổi mới sáng tạo có hai khía cạnh quan trọng nhất là “Cơ cấu sản xuất” và “Thiết lập thể chế“.
Beije cho rằng Hệ thống đổi mới sáng tạo có thể được định nghĩa là một nhóm các doanh nghiệp tư nhân, các viện nghiên cứu công và một số người hỗ trợ đổi mới là những người tương tác thúc đẩy việc tạo ra một hoặc một số đổi mới công nghệ trong khuôn khổ các thể chế tạo thuận lợi cho việc phổ biến hoặc áp dụng các đổi mới công nghệ này.
Theo xu hướng chung của thế giới, trung tâm đổi mới sáng tạo là để cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST phát triển, hoàn thiện các ý tưởng kinh doanh/công nghệ, kêu gọi đầu tư, qua đó hình thành hệ sinh khái khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Mạng lưới các trung tâm ĐMST và hệ sinh thái ĐMST ở mỗi quốc gia được hình thành và phát triển theo các định hướng và cách thức tổ chức khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới tập trung nguồn lực để phát triển các lĩnh vực theo kế hoạch được định trước nhằm tạo ra những kết quả mang tính đột phá, có tính ảnh hưởng sâu rộng tới một bộ phận hoặc toàn bộ nền kinh tế.
Trung tâm ĐMST là mô hình tổ chức sáng tạo đặc thù nhằm mục đích nghiên cứu, dẫn dắt, kết nối và cung cấp các dịch vụ ĐMST hiệu quả và hỗ trợ R&D phục vụ cho hệ sinh thái ĐMST. Các trung tâm này nên được đặt tại các cơ quan cấp cao có chức năng hoạch định về chiến lược, chính sách KH&CN của quốc gia. Điều này giúp cho việc định hướng chiến lược, nắm bắt được xu thế về KH&CN trên thế giới một cách chính xác và có định hướng rõ ràng trong mỗi giai đoạn phát triển với các mục tiêu chính:
– Đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, ươm tạo công nghệ, tối ưu hóa, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp và người dân.
– Hỗ trợ hình thành các giải pháp công nghệ tiên tiến, kích thích các ý tưởng sáng tạo, khơi gợi cảm hứng ĐMST.
– Dẫn dắt hệ sinh thái ĐMST. Tập trung và tổ chức được các nguồn lực đầu vào cho ĐMST, tối ưu, hoàn thiện các mô hình giải pháp ĐMST, phát triển sản phẩm, giải pháp đầu ra hiệu quả, có khả năng ứng dụng cao.
– Kết nối, thực hiện các dịch vụ KH&CN, khai thác các nguồn lực KH&CN, cung cấp, hỗ trợ tư vấn, kết nối, tối ưu trong sử dụng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan, thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật và các sáng chế ra thực tế.
– Hỗ trợ các tổ chức đầu tư, các đối tác hoạt động tài chính.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18724/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn