1) Tên nhiệm vụ: Điều tra đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng bền vững nguồn lợi rong biển tại Ninh Thuận

2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện nghiên cứu và Ứng dụng Nha Trang

3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:

  1. ThS. Trần Mai Đức
  2. PGS. TS. Nguyễn Hữu Đại
  3. TS. Đặng Văn Cường
  4. TS. Võ Thành Trung
  5. TS. Nguyễn Xuân Vỵ
  6. ThS. Võ Tấn Thông
  7. ThS. Trần Văn Huynh
  8. ThS. Lê Trọng Nghĩa
  9. CN. Trương Văn Sơn
  10. KS. Nguyễn Tường Giao

4) Mục tiêu của nhiệm vụ:

– Mục tiêu chung: 
Đánh giá tiềm năng nguồn lợi rong biển tại Ninh Thuận và xây dựng luận cứ khoa học để đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi rong biển tại Ninh Thuận.
– Mục tiêu cụ thể:
+ Đánh giá được thành phần loài, phân bố và trữ lượng rong biển Ninh Thuận.
+ Đánh giá được tiềm năng sử dụng và khả năng khai thác các loài rong biến có giá trị và sản lượng lớn tại Ninh Thuận.
+ Có được các luận cứ chắc chắn để định hướng quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi rong biển tại Ninh Thuận.
5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):

– Ven biển Ninh Thuận có 124 loài và dưới loài rong biển thuộc 65 chi, 37 họ, 19 bộ, 4 lớp của 3 ngành. Trong đó, ngành rong Đỏ 58 loài, ngành rong Lục 36 loài và ngành rong Nâu 30 loài. Rong hồng vân (B. gelatinus) và rong câu chân vịt (H.eucheumatoides) là loài quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng cần được bảo vệ.

– Vùng biển Mỹ Hòa-Mỹ Tân có thành phần loài đa dạng nhất với 91 loài (chiếm 73,39%), tiếp theo là Cà Ná-Phước Diêm 79 loài (chiếm 63,70%), Từ Thiện-Vĩnh Trường 76 loài chiếm 61,29%), thấp nhất tại đầm Nại là 10 loài (chiếm 8,07%).

– Rong biển phân bố từ độ sâu – 10m trở lên, tập trung ở độ sâu từ 0m đến – 6m. Ngành rong lục chiếm ưu thế ở khu triều cao; ngành rong đỏ và rong nâu chiếm ưu thế ở khu triều giữa và khu triều thấp; vùng dưới triều ngành rong đỏ chiếm ưu thế. Khu hệ rong biển Ninh Thuận có tính chất hỗn hợp, vừa mang tính chất á nhiệt đới và nhiệt đới.

– Vào tháng 4-5, khu vực ao, đìa đầm Nại có sinh lượng cao nhất (2,101 ± 0,658 kg tươi/m2), tiếp theo là Phước Diêm-Cà Ná, Đông Hải, Sơn Hải-Mũi Dinh, Mỹ TườngKhánh Hội, Từ Thiện-Vĩnh Trường, Bình Tiên-Bãi Nước Ngọt, khu vực ao, đìa đầm Cà Ná, Thái An, Bãi Rạng-Bãi Thùng, Mỹ Hòa-Mỹ Tân và thấp nhất tại Vĩnh Hy (0,633 ± 0,120 kg tươi/m2). Vào tháng 8-9, khu vực ao, đìa đầm Cà Ná có sinh lượng cao nhất (0,634 ± 0,241 kg tươi/m2), tiếp theo là khu vực ao, đìa đầm Nại, Phước Diêm-Cà Ná, Mỹ Hòa-Mỹ Tân, Từ Thiện-Vĩnh Trường, Thái An, Sơn Hải-Mũi Dinh, Bình Tiên-Bãi Nước Ngọt, Đông Hải, Vĩnh Hy, Mỹ Tường-Khánh Hội và thấp nhất tại Bãi Rạng-Bãi Thùng (0,092 ± 0,039 kg tươi/m2).

– Diện tích phân bố rong biển toàn tỉnh Ninh Thuận khoảng 1.088 ha với tổng trữ lượng 6.104,077 tấn tươi. Có 62 loài rong biển chiếm trữ lượng lớn, trong đó ngành rong Lục 15 loài với trữ lượng 867,278 tấn rong tươi, rong Nâu 23 loài với trữ lượng 3.135,236 tấn rong tươi và ngành rong Đỏ 24 loài với trữ lượng 2.058,461 tấn rong tươi.

– Ngành rong Lục có 6 loài làm thực phẩm, 14 loài làm dược liệu, 3 loài làm nguyên liệu chiết ulvan. Ngành rong Nâu có 16 loài chiết alginate, 8 loài dược liệu, 13 loài chiết fucoidan, 14 loài chiết phlorotanin, 6 loài chiết laminaran, 13 loài chiết iodine. Ngành rong Đỏ có 15 có loài rong thực phẩm, 7 loài chiết agar, 8 loài chiết carrageenan, 7 loài làm dược liệu, 5 loài chiết glycoprotein.

– Tại Ninh Thuận, có một qui luật chung là số lượng loài, sinh lượng, trữ lượng rong biển thấp nhất vào tháng 10 và tăng dần đạt cực đại vào tháng 4 năm sau.

– Nghề khai thác rong biển đã tạo việc làm cho 542 lao động và đa số lao động nữ (chiếm 71,8%). Thu nhập trong một ngày của một người khai thác rong từ 120.000 đến 550.000 đồng/ngày. Tổng sản lượng rong khai thác rong biển năm 2019 là 260 tấn rong nho tươi và 350 tấn rong khô các loại (rong xanh, rong mơ, rong hồng vân, rong câu chân vịt, rong câu rễ tre, rong câu chỉ vàng, rong câu cước).

– Trong tự nhiên, nhóm rong cải biển (Ulvaceae) có khả năng khai thác khoảng 320 tấn tươi/năm, nhóm rong mơ (Sargassaceae) lả 2.400 tấn tươi/năm, rong câu rễ tre (G. acerosa) là 45 tấn tươi/năm, chi rong câu (Gracilaria) là 550 tấn tươi/năm, rong câu cước (G. heteroclada) là 380 tấn tươi/năm, chi Hydropuntia là 3 tấn tươi/năm.

– Đề tài đã đã đưa ra bộ các giải pháp rất cụ thể để có thể bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi rong biển, cũng như bộ bản đồ phân vùng bảo vệ, khai thác và nuôi trồng các loài rong biển tại 10 khu vực ven biển Ninh Thuận.

6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:

Bắt đầu:  tháng  09 năm 2019     Kết thúc:  tháng 02 năm 2022

7) Kinh phí thực hiện:  1234,562 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách sự nghiệp khoa học: 1234,562 triệu đồng.

+ Vốn tự có của tổ chức chủ trì:           0,0 triệu đồng.

+ Khác (vay, huy động…):                   0,0 triệu đồng.