1) Tên nhiệm vụ: “Khảo sát, điều tra cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017”

2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:

  1. TS. Lê Văn Minh
  2. ThS. Lê Đức Thanh
  3. PGS.TS Bạch Long Giang
  4. DS. Nguyễn Xuân Tuyển
  5. ThS. Nguyễn Quốc Đạt
  6. ThS. Lý Hải Triều
  7. CN. Ngô Thị Minh Huyền
  8. CN. Trần Hồng Diễm
  9. TS. Nguyễn Hoàng Dũng
  10. CN. Cao Ngọc Giang

4) Mục tiêu của nhiệm vụ:

Mục tiêu tổng quát

– Khảo sát thực trạng và khả năng sử dụng tài nguyên cây thuốc Tỉnh Ninh Thuận, trên cơ sở đó đề xuất danh mục cây thuốc trọng tâm bảo tồn, khai thác trong thời gian tới.

Mục tiêu cụ thể

  • Khảo sát, điều tra các loài cây thuốc trong thiên nhiên và các cây thuốc được trồng tại tỉnh Ninh Thuận;
  • Đánh giá hiện trạng, sinh trưởng phát triển, khai thác và sử dụng của các loài cây thuốc trọng tâm tại tỉnh Ninh Thuận;
  • Xác định danh mục các loài cây thuốc và cơ sở dữ liệu về danh mục cây thuốc;
  • Xây dựng phương án bảo tồn, phát triển và khai thác sử dụng bền vững các loài cây thuốc có triển vọng trên các vùng phân bố chủ yếu của tỉnh.

5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):

  • Đã thống kê được 398 loài cây thuốc thường được sử dụng chữa trị bệnh trong cộng đồng. Trong đó có 54 loài được sử dụng phổ biến với tần xuất cao. Diện tích một số loài cây nông nghiệp được dùng làm thuốc lớn với khối lượng khai thác trên hàng trăm tấn một năm. Mặc dầu vậy, các loài cây thuốc khai thác trong tự nhiên vẫn được sử dụng đa dạng và phổ biến hơn cây thuốc trồng.
  • Thông qua các cuộc điều tra tài nguyên dược liệu trên toàn địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong năm 2018 đã ghi nhận được có 1269 loài cây thuốc thuộc 715 chi, 170 họ, 102 bộ, 11 lớp, 8 ngành thực vật bậc cao có mạch bao gồm: ngành Ngọc lan chiếm tỉ lệ cao nhất so với các ngành còn lại với 1195 loài (chiếm 94,17%) thuộc 667 chi, 148 họ, 83 bộ. Kế đến là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) có 43 loài (chiếm 3,39%) thuộc 31 chi, 12 họ, 9 bộ; Ngành Thông đất (Lycopodiophyta) có 12 loài (chiếm 0,94 %) thuộc 4 chi, 2 họ, 2 bộ; Ngành Thông (Pinophyta) có 10 loài (chiếm 0,79 %) thuộc 9 chi, 4 họ, 4 bộ; Ngành Dây gắm (Gnetophyta) có 4 loài (chiếm 0,32 %) thuộc 1 chi, 1 họ, 1 bộ; hai ngành có tỉ lệ bằng nhau: Ngành Tuế (Cycadophyta) và Ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta) có 2 loài (chiếm 0,16 %) thuộc 1 chi, 1 họ, 1 bộ; Ngành Quyết lá thông (Psilotophyta) có 1 loài (chiếm 0,08 %) thuộc 1 chi, 1 họ, 1 bộ là ngành chiếm tỉ lệ thấp nhất trong tất cả các ngành. Ngoài ra, còn cập nhật bổ sung 97 loài cây thuốc mới ghi nhận cho VQG Núi Chúa và 135 loài cho VQG Phước Bình.
  • Hệ thực vật dùng làm thuốc tại tỉnh Ninh Thuận có 7 dạng sống chính bao gồm: cây cỏ, cây bụi, cây gỗ nhỏ, cây gỗ lớn, dây leo, khuyết thực vật và thực vật phụ sinh trong đó dạng cây cỏ có số lượng loài cao nhất 367 loài (chiếm 28,92%), chiếm tỉ lệ thấp nhất là nhóm thực vật phụ sinh có 27 loài (chiếm 2,13%).
  • Nhóm tiêu hóa (có 430 loài), nhóm cơ xương khớp (có 362 loài), nhóm ngoài da (có 315 loài) có số lượng cây thuốc chiếm nhiều nhất so với các nhóm còn lại.
  • Rễ/Củ có 516 loài chiếm số lượng cao nhất so với các bộ phận dùng khác, kế đến là bộ phận lá có 455 loài, toàn cây 350 loài, hai bộ phận dùng chiếm số lượng loài thấp nhất lần lượt là phần hoa chiếm 62 loài và nhóm khác chiếm 38 loài.
  • Trong 1269 loài cây thuốc thì có 51 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm và hạn chế khai thác với 42 chi, 30 họ, 25 bộ, 6 lớp và 5 ngành. Cụ thể hơn, có 42 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) với 25 loài ở mức sẽ nguy cấp (VU), 15 loài ở mức nguy cấp (EN), 2 loài ở mức rất nguy cấp (CR) và 9 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP thuộc nhóm II (Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng).
  • Thu thập 600 tiêu bản của 209 loài thuộc 187 chi, 79 họ, 56 bộ, 8 lớp và 7 ngành thực vật bậc cao. Trong đó, có 76 loài dạng cây cỏ, 50 loài dạng cây bụi, 39 loài dạng dây leo, 20 loài dạng cây gỗ nhỏ, 13 loài dạng cây gỗ lớn, 8 loài dạng khuyết thực vật và 3 loài thực vật phụ sinh.
  • Đã xây dựng được bản đồ phân bố với 247 điểm của 62 loài cây thuốc dùng vẽ bản đồ được đánh giá ở mức quý hiếm, đặc trưng, trọng tâm và có khả năng khai thác trong đó có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 3 loài nằm trong nhóm II thuộc nghị định 32/2006/NĐ-CP, và 46 cây thuốc đặc trưng của tỉnh và có trữ lượng lớn có khả năng khai thác.
  • Đề xuất 35 loài cây thuốc trọng tâm ưu tiên phát triển của tỉnh bảng 3.3 và đề xuất bảo tồn 82 nguồn gen cây thuốc quý hiếm, đặc trưng (bảng 3.4).
  • Đã xây dựng cơ sở tra cứu dữ liệu 1269 loài cây thuốc bằng phần mềm Microsoft Access và biên tập tập sách cây thuốc của 116 loài đại diện phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên của tỉnh với 103 trang.
  • Tổ chức 2 cuộc hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phan Rang Tháp Chàm, cùng với chức tập huấn kỹ năng phỏng vấn, hướng dẫn ghi phiếu điều tra cho gần 20 cán bộ tham gia điều tra phỏng vấn.

6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 

Bắt đầu: tháng 9 năm 2017.       Kết thúc: tháng 02 năm 2019

7) Kinh phí thực hiện: 1.164,9 triệu đồng; trong đó

+ Ngân sách sự nghiệp khoa học:        1.164,9 triệu đồng

+ Vốn tự có của tổ chức chủ trì:                 0,0 triệu đồng.

+ Khác (vay, huy động…):                         0,0 triệu đồng.