1) Tên nhiệm vụ: Khảo sát trữ lượng nguồn nguyên liệu Dây khai; đánh giá tính an toàn và tác dụng chính của ”Cao Khai” sản xuất tại tỉnh Ninh Thuận
2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:
- PGS.TS Bạch Long Giang
- ThS Phạm Trí Nhựt
- PGS.TS Lê Tiến Dũng
- NCS.ThS Bùi Hoàng Minh
- TS Vũ Thị Huyền Trang
- ThS.DS Nguyễn Ngọc Quý
- ThS Trần Thiện Hiền
- DS Nguyễn Xuân Tiễn
- Lương y Lê Hùng Cường
- BS.YHCT Phạm Trọng Đoàn
4) Mục tiêu của nhiệm vụ:
Mục tiêu tổng quát:
Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nguyên liệu Dây Khai và đánh giá hoạt tính sinh học, tính an toàn và khả năng chăm sóc sức khỏe của sản phẩm Cao Khai để phục vụ công tác quản lý, định hướng quy hoạch, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cũng như phát huy một sản phẩm điều trị bệnh ở địa phương tỉnh Ninh Thuận.
Mục tiêu cụ thể:
– Điều tra, khảo sát xác định tên khoa học và báo cáo về trữ lượng, phân bố của Dây Khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
– Khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ Cao Khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
– Xác định sơ bộ thành phần hóa, lý; các hoạt chất chính; tính an toàn về vi sinh và độc tính của Cao Khai sản xuất tại Ninh Thuận;
– Khảo sát, đánh giá tác dụng của Cao Khai sản xuất tại Ninh Thuận trong chăm sóc sức khỏe thông qua một số mô hình thực nghiệm.
– Đề xuất quy trình sản xuất Cao Khai và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của Cao Khai.
5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Kết quả nghiên cứu của đề tài thu nhận được sau quá trình nghiên cứu như sau:
– Kết quả nghiên cứu đã xác định tên khoa học, giống, loài bằng sinh học phân tử của cây Dây Khai Ninh Thuận, cho thấy các mẫu Dây Khai được sử dụng cho nghiên cứu tại tỉnh Ninh Thuận có độ tương đồng rất cao và phù hợp với loài Coptosapelta flavescens của bộ dữ liệu gen thế giới. Đồng thời nghiên cứu đã so sánh với cây Dây Khai ở một sổ tỉnh, thành khác trong nước và báo cáo về trữ lượng, phân bố của nguồn nguyên liệu Dây Khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và hiện còn rất dồi dào.
– Tiến hành khảo sát và đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ Cao Khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chi tiết, rõ ràng đầy đủ các thông tin vể số lượng cơ sở sản xuất, quy trình sản xuất, nguyên liệu sử dụng để chế biến “Cao Khai”, báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ Cao Khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nghiên cứu cho thấy sản phẩm Cao Khai hiện đang được sản xuất và tiêu thụ ở mức ổn định, chưa có sự đột phá về sản lượng cũng như giá trị thương mại. Quy trình sản xuất Cao Khai còn rất thô sơ, chưa đảm bảo vệ sinh và chất lượng của thuốc.
– Kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm Cao Khai có các hợp chất tự nhiên như: Acid hữu cơ, anthraquinon, coumarin, flavonoid, hợp chất khử, polyuronid, saponin, tinh dầu, triterpenoid và polyphenol; hàm lượng saponin tổng, polyphenol tổng, flavonoid tổng, anthranoid tổng lần lượt là: 16,29 %, 51,85 µgGAE/mg, 15,66 µgGAE/mg và 0,34 %; hoạt tính chống oxi hóa lần lượt là: 56,029 µg/ml (DPPH), 51,27 µg/ml (ABTS), 15,90 µg/ml (FRAP), 44,85 µg/ml (RP) và 110,94 µg/ml (TAC). Đồng thời, đánh giá tính an toàn về vi sinh và độc tính của “Cao Khai” sản xuất tại Ninh Thuận và sản phẩm không gây ra độc cấp ở liều tối đa 40 g/kg thể trọng chuột (liều dưới liều chết).
– Tiến hành điều tra, đánh giá tác dụng của Cao Khai sản xuất tại Ninh Thuận trong chăm sóc sức khỏe thông qua một số mô hình thực nghiệm và cho thấy sản phẩm Cao Khai có khả năng giảm viêm trên mô hình gây viêm bàn chân chuột bằng carrageenan; tác dụng bảo vệ sự hư tổn của mô sụn trong quá trình viêm khớp; và có khả năng giảm đau ngoại biên và giảm đau trung ương ở mức nhẹ.
– Đề tài cũng đã đề xuất và thử nghiệm thành công quy trình sản xuất Cao Khai ở 3 dạng: lỏng, đặc và khô với những quy cách đóng gói cùng tiêu chuẩn cơ sở tương ứng. Ngoài ra đề tài cũng góp phần công bố 04 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI-E/SCOPUS, đào tạo 01 ThS và 03 Dược sĩ Đại học.
6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
Bắt đầu: tháng 10 năm 2020 Kết thúc: tháng 03 năm 2022
7) Kinh phí thực hiện: 712,696 triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách sự nghiệp khoa học: 712,696 triệu đồng.
+ Vốn tự có của tổ chức chủ trì: 0,0 triệu đồng.
+ Khác (vay, huy động…): 0,0 triệu đồng.